Với mục tiêu đem đến kim chỉ nam cho các nhà đầu tư, đối tác trong và ngoài nước, Hội Thể thao điện tử Giải trí Việt Nam (VIRESA) vừa công bố sách trắng eSports Việt Nam 2021.
Đây là cuốn cẩm nang hữu ích với những người ngoài cuộc đang tìm kiếm những thông tin nền về eSports ở nước ta. Sách trắng cũng góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức xã hội về một ngành nghề mới đã thực sự hình thành cùng các phân tích chuyên sâu về nhiều khía cạnh có liên quan tới hệ sinh thái eSports.
Sách trắng về thể thao điện tử đầu tiên ở Việt Nam do VIRESA vừa ban hành. |
Theo ICTnews, có ba vấn đề đã được khắc họa trong bức tranh của sách trắng eSports năm nay:
Lượng người xem tăng, doanh thu giảm trên toàn cầu
Theo báo cáo của sách trắng, lượng người xem eSports những năm qua đã liên tục tăng trên các nền tảng như Facebook, YouTube hay Twitch. Năm 2020, tổng số người xem là 495 triệu (11,7%) và dự báo đến năm 2023 là 646 triệu người (10,4%).
Tuy vậy, doanh thu toàn thị trường eSports được dự báo giảm do ảnh hưởng của Covid-19 trên toàn cầu, đạt 950,3 triệu USD năm 2020 (-0,8%). Trong đó, chiếm thị phần lớn nhất vẫn là doanh thu đến từ tài trợ (61,4%), theo sau là bản quyền phát sóng (17,1%), nhà phát hành trò chơi (11,4%) và bán vé (5,5%).
Dù khó khăn, eSports đang chứng tỏ sự thích nghi mau chóng với đại dịch bằng các giải đấu được tổ chức online 100%, thậm chí thi đấu ngay tại gaming house của các đội tuyển. Do đó, tác động của Covid-19 được dự báo sẽ giảm trong các năm tiếp theo khi eSports càng ngày càng tạo ra sự thay đổi rõ rệt trong thói quen của người xem.
Esports đang phát triển ở Việt Nam
Số liệu từ sách trắng chỉ ra rằng, eSports đang có những bước phát triển bền vững ở Việt Nam. Điều đó thể hiện ở lượng người xem và chơi eSports trong bốn năm qua đều đã tăng mạnh, đặc biệt ở số lượng người chơi.
Tuy nhiên, phần lớn cộng đồng eSports lại có thu nhập không quá cao, chiếm 56,7% là chưa có thu nhập, theo sách trắng.
Nhờ sự nổi lên của đơn vị phát hành mới, eSports đang chứng kiến sự cạnh tranh của hai nhà phát hành hàng đầu Việt Nam là VNG và Garena (Vietnam Esports), trong đó cạnh tranh lớn nhất nằm ở nhóm các game eSports trên nền tảng di động.
Hệ sinh thái eSports dần hình thành ở Việt Nam
Một nhóm các đơn vị có liên quan đến eSports đang cấu thành một sợi dây liên kết chặt chẽ tạo thành hệ sinh thái cho thể thao điện tử ở nước ta.
Đó là các đơn vị tổ chức tạo ra các giải đấu, nhận được tài trợ, qua đó thúc đẩy việc hình thành các tổ chức thi đấu chuyên nghiệp.
Các tổ chức lại xây dựng hình ảnh tuyển thủ trẻ trung, năng động, gần gũi với khán giả. Thi đấu nổi bật, các tuyển thủ vừa thu hút được người hâm mộ thông qua livestream vừa cải thiện thu nhập bản thân. Hình ảnh của tuyển thủ và giải đấu được các đơn vị truyền thông chính thống đưa tin đã giúp tăng độ nhận diện cho eSports.
Một số giải đấu như Đấu Trường Danh Vọng đang thu hút lượng người xem gia tăng rất nhanh, năm 2020 gấp đôi so với năm 2019. Điều này đã mở ra cơ hội hợp tác với các nhãn hàng, thương hiệu không chỉ ở lĩnh vực công nghệ mà còn ở nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).
Cùng với sự phát triển của eSports ở Việt Nam, sách trắng các phiên bản tiếp theo hứa hẹn còn cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích, có giá trị thực tiễn và giúp nâng tầm thể thao điện tử nước nhà.
Phương Nguyễn