Ba ba - bộ phận nào cũng là một vị thuốc chữa bệnh

Tường Minh| 21/11/2021 07:00

Ba ba là thực phẩm phổ biến. Nhưng không nhiều người biết, gần như mỗi bộ phận trên cơ thể con ba ba đều là một vị thuốc chữa bệnh cho con người.

Ba ba còn gọi là thủy ngư. Tên khoa học Triomyx sinensis Wiegmann. Thuộc họ Ba ba - Trionychidae.

Theo bác sĩ Lê Thân, Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam, tác giả sách "Thuốc ở quanh ta", gần như tất cả các bộ phận trên cơ thể ba ba đều có công dụng làm thuốc chữa bệnh.

Mai ba ba

Có tác dụng dưỡng âm, tiềm dương, làm mềm, làm tan sự kết đọng, trấn tĩnh. Dùng cho các trường hợp cần bổ âm, lao gầy, nhức xương, lao lực quá độ, hỗ trợ điều trị lao, sỏi đường tiết niệu, kinh nguyệt bế, bổ dưỡng nói chung. Ngày dùng 12 - 20g dưới dạng thuốc sắc.

Cách chế: mai ba ba ngâm vào nước, cạo bỏ da thịt, rửa sạch, phơi khô. Cho cát vào nồi rang cho tới khi cát tơi ra, cho mai ba ba sạch vào, sao tới khi mặt ngoài hơi vàng, lấy ra ngay, sàng bỏ cát, ngâm sơ qua trong giấm (5kg mai ba ba dùng 1,5 lít giấm), vớt ra, rửa bằng nước, phơi khô.

Đầu ba ba

Đầu ba ba thường đốt cháy tồn tính để dùng; có tác dụng bổ khí trợ dương; chữa cam sài lở ngứa ở trẻ em, phụ nữ sau sinh bị chứng âm thoát, sa bộ phận sinh dục.

Cách chế: Dùng dao cắt đầu ba ba, lấy đầu (có thể dùng rượu tẩm kỹ) phơi khô. Sau đó cho cả con vào nồi nước sôi nấu trong 1 - 2 giờ, lấy mai ra riêng, cạo sạch phơi khô là được.

Thịt ba ba

Là loại thực phẩm ngon và bổ dưỡng với mọi lứa tuổi, rất phù hợp trong những ngày hè nóng nực. Ba ba giàu protein, lipid, glucid, các muối vô cơ, các acid amin, iod, vitamin A và D. Từ thịt ba ba nhân dân ta chế biến được nhiều món ăn ngon, có giá trị bồi dưỡng cơ thể tốt.

Ngoài giá trị dinh dưỡng, thịt ba ba còn là một vị thuốc quí, có tác dụng bồi bổ cơ thể và chữa nhiều bệnh. Nó có tác dụng dưỡng âm lương huyết, bổ hư, tán tích, tiêu u cục cứng kết, thanh nhiệt hư lao, bồi bổ sức khoẻ, tăng cường khả năng miễn dịch và phòng chống bệnh tật.

Thịt ba ba được dùng làm thuốc chữa các chứng bệnh nóng bên trong, ra mồ hôi trộm, lỵ mạn tính, sốt rét dai dẳng, rong kinh, rong huyết, lao hạch...

Do có tác dụng trên, thịt ba ba là thức ăn rất thích hợp cho những người bị bệnh lao, viêm gan mạn tính, xơ gan, tiểu đường, viêm thận, nam giới thận yếu thuộc thể can thận âm hư.

Máu ba ba

Dùng trị chứng khớp xương sưng; cũng dùng chữa trẻ em có báng tích, chứng cam sài, thoát giang.

Mật ba ba

Trị được những chứng bĩ khối (khối tích trong ổ bụng), báng tích, trĩ lậu (trĩ có lỗ dò)...

Các bài thuốc từ ba ba

- Đau lưng, cúi ngửa không được, sỏi đường tiết niệu: mai ba ba sao vàng hay nướng chín tán nhỏ, ngày uống 2 lần, mỗi lần 5g.

- Bế kinh, kinh nguyệt không đều: mai ba ba 30g đập nhỏ, chim bồ câu 1 con bỏ lông và ruột; mai ba ba cho vào trong bụng chim bồ câu, đổ nước và một ít rượu gạo, hấp lên, cho thêm gia vị mà dùng.

- Lòi dom, sa tử cung: đầu ba ba 3 cái, một ruột già heo làm sạch, tất cả bỏ vào hầm thành canh để ăn.

- Di tinh, liệt dương, váng đầu hoa mắt: thịt ba ba 1 con, kỷ tử 30g, thục địa 15g; tất cả nấu chín bỏ bã thuốc, ăn thịt và uống nước canh.

- Cốt chưng lao nhiệt: ba ba 1 con, địa cốt bì 25g, sinh địa 15g, mẫu đơn bì 15g; làm thịt ba ba, bỏ ruột, rửa sạch, cho vào nấu canh với 3 vị thuốc, mỗi ngày ăn mấy lần, ăn liên tục mấy ngày.

- Âm hư và triều nhiệt, ra mồ hôi trộm, gan bàn tay bàn chân nóng: thịt ba ba 250g; bách bộ 9g, địa cốt bì 9g, tri mẫu 9g; sinh địa 24g; cho các thứ thuốc trên vào túi vải nấu nước, bỏ bã uống nước, mỗi ngày 1 thang.

- Tinh trùng ít: ba ba 1 con, mộc nhĩ trắng 15g, tri mẫu 10g, thiên đông 10g, nữ trinh tử 10g, hoàng bá 10g, gừng tươi, hành cây mỗi thứ vừa phải.

Làm thịt ba ba, bỏ nội tạng, đầu, chân, cho thịt ba ba vào trong nồi, cho nước, gừng tươi, hành, nấu to lửa cho sôi, rồi nấu nhỏ lửa. Khi thịt chín cho mộc nhĩ trắng đã ngâm nở vào túi thuốc (trong có tri mẫu, hoàng bá, thiên đông, nữ trinh tử) vào.

Khi thịt ba ba đã nhừ bắc ra. Ăn thịt ba ba, mộc nhĩ, uống nước. Mỗi ngày 1 lần, 7 ngày là 1 liệu trình. Thời gian dùng thuốc không sinh hoạt tình dục.

- Tư thận ích khí, tán kết thông kinh; phụ nữ kinh nguyệt không đều, bụng trên thỉnh thoảng lạnh đau căng tức: ba ba 500g, chim bồ câu 1 con, hành gừng tươi, rượu gia vị, muối mỗi thứ vừa phải. Làm thịt chim, bỏ lông, bỏ nội tạng; làm thịt ba ba, bỏ ruột, rửa sạch, băm ra cho vào bụng chim. Cho chim vào nồi, cho gừng, hành, muối, rượu, nước vừa phải, nấu cách thủy. Ăn khi đói, mỗi ngày 1 lần.

- Viêm thận mạn tính, phù thũng: thịt ba ba 500g, tỏi 100g; đường trắng, rượu trắng mỗi thứ vừa phải; cho tất cả vào nồi nấu chín ăn, 2 ngày 1 thang.

- Kiết lỵ mạn tính: lòng đỏ trứng ba ba gói lá chuối nướng ăn.

- Cháo ba ba: dùng một con ba ba khoảng 150 - 200g, nấu với đậu đỏ 40g, sen 100 hạt, táo tàu 4 quả, thêm gia vị vừa đủ tùy theo khẩu vị từng người, nấu lâu trên bếp nhỏ lửa cho đến khi các vị nhừ thành cháo, múc ra ăn. Cháo này có tác dụng tốt đối với những người sức khoẻ suy nhược, hồi hộp mất ngủ, di mộng tinh, làm giảm đau trong các bệnh đau nhức xương, tê thấp.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/dinh-duong-am-thuc/ba-ba-bo-phan-nao-cung-la-mot-vi-thuoc-chua-benh-975731.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/dinh-duong-am-thuc/ba-ba-bo-phan-nao-cung-la-mot-vi-thuoc-chua-benh-975731.ldo
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ba ba - bộ phận nào cũng là một vị thuốc chữa bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO