B-2 Spirit đắt đỏ nhưng có đáng giá?

26/03/2024 06:25

B-2 Spirit có lẽ là máy bay ném bom đắt đỏ nhất từng được chế tạo, có giá trị lên đến hơn 2 tỷ USD mỗi chiếc. Sản phẩm này do Tập đoàn Northrop Grumman phát triển, được coi là đỉnh cao của đầu tư và công nghệ hàng không quân sự Mỹ. Tuy vậy, hiệu quả sử dụng của B-2 Spirit vẫn là một vấn đề gây tranh cãi.

Theo trang National Interest, B-2 Spirit là máy bay ném bom chiến lược tàng hình đầu tiên trên thế giới. Sự ra đời của nó đánh dấu cột mốc quan trọng trong chương trình hiện đại hóa máy bay ném bom của Mỹ.

Được mệnh danh “bóng ma bầu trời”, B-2 Spirit sở hữu công nghệ tàng hình tiên tiến và khả năng vận tải hạt nhân chiến lược, có thể xuyên thủng hệ thống phòng không dày đặc của đối phương để thực hiện các vụ tấn công hạt nhân bất ngờ. Đây là lý do loại máy bay này được coi là một bộ phận cấu thành quan trọng trong bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ, gồm: Máy bay ném bom chiến lược, tàu ngầm tấn công hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Song, bên cạnh những ưu điểm, B-2 Spirit cũng có vô số nhược điểm. Một trong các nhược điểm của B-2 Spirit là lớp vỏ cực kỳ nhạy cảm khiến nó không thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Theo nguồn tin The New York Times, Văn phòng Kiểm toán Liên bang (GAO)-một cơ quan giám sát của Đồi Capitol-từng công bố báo cáo cho biết B-2 Spirit có thể bị hư hỏng do mưa, nhiệt độ và độ ẩm.

Báo cáo của GAO cho biết: “B-2 Spirit phải được che chắn hoặc chỉ tiếp xúc với những môi trường lành tính nhất - độ ẩm thấp, không có mưa, nhiệt độ vừa phải”. Báo cáo cho biết, lớp vỏ của máy bay không thể chịu được nhiệt độ, độ ẩm hoặc mưa. Lớp vỏ được làm bằng nhựa nhiệt dẻo và composites giúp máy bay ném bom có khả năng “tàng hình” trước radar của đối phương. Tuy nhiên, lớp vỏ nhạy cảm cũng đòi hỏi hầm chứa máy bay phải được kiểm soát về nhiệt độ và độ ẩm.

Bên cạnh đó, theo Thời báo Los Angeles, để máy bay duy trì được trạng thái “tàng hình” tối ưu, B-2 Spirit cần được đại tu 7 năm/lần, tốn trung bình 60 triệu USD và mất thời gian một năm. Chưa kể, cứ mỗi giờ bay trên không, máy bay ném bom sẽ cần tới 50-60 giờ trên mặt đất để bảo trì, bảo dưỡng.

Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của không quân Mỹ. Ảnh: National Interest 

Ngoài ra, theo National Interest, khuyết điểm lớn nhất của những chiếc B-2 Spirit là việc thiếu khả năng liên lạc không dây. Dữ liệu nhiệm vụ hoặc thông tin như địa điểm bay, mục tiêu cần ném bom phải được nhập thủ công. Vì vậy, không quân Mỹ đang nỗ lực nâng cấp tính năng liên lạc không dây cho B-2 Spirit. Nhưng việc nâng cấp chỉ là giải pháp tạm thời, vì dòng máy bay thay thế B-2 Spirit là B-21 Raider hiện đang được phát triển và dự kiến sẽ gia nhập lực lượng không quân Mỹ trong thập kỷ tới. Không quân Mỹ cũng "đặt lịch" nghỉ hưu cho B-2 Spirit vào đầu thập niên 2030.

Khuyết điểm cuối cùng của dòng máy bay ném bom chiến lược này là giá thành quá cao. Để thấy rõ được điều này, trang National Interest đã so sánh mức giá của B-2 Spirit với các máy bay quân sự khác của Mỹ. F-22 Raptor, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 sử dụng công nghệ tàng hình đầu tiên trên thế giới, có giá 350 triệu USD mỗi chiếc. C-17 Globemaster, máy bay vận tải quân sự hạng nặng có thể vận chuyển số lượng lớn thiết bị quân sự của Mỹ đi khắp thế giới, có giá 340 triệu USD mỗi chiếc. P-8 Poseidon có giá 290 triệu USD mỗi chiếc và chiến đấu cơ tàng hình F-35, tuyệt tác thế hệ thứ 5, có giá 115 triệu USD mỗi chiếc. Bản thân chiếc Air Force One, chuyên cơ phục vụ Tổng thống Mỹ, cũng chỉ dừng ở mức giá 660 triệu USD.

Như vậy, với hơn 2 tỷ USD bỏ ra cho một chiếc B-2 Spirit, Mỹ có thể tậu tới 3 chiếc Air Force One hoặc 6 chiếc F-22 Raptor hay khoảng 17 chiếc F-35. Cũng với số tiền này, Mỹ có thể trang trải khoảng 40% chi phí chế tạo một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Nimitz có sức chứa khoảng 5.000 thành viên thủy thủ đoàn và 100 máy bay.

Không thể phủ nhận B-2 Spirit được thiết kế để tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của Washington. Nhưng hiệu quả sử dụng của B-2 Spirit so với chi phí vận hành quá lớn đã khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi. Harrison Kass, cây viết chuyên về lĩnh vực quốc phòng và an ninh của National Interest cho rằng, với mức giá 2 tỷ USD/chiếc B-2 Spirit, hiệu quả sử dụng của oanh tạc cơ này chưa tương xứng với số chi phí bỏ ra. Chưa kể, so với các thế hệ máy bay quân sự hiện đại, B-2 có số lượng ít và ngày càng trở nên cũ kỹ, lỗi thời. Đây có lẽ cũng là lý do những chiếc B-2 Spirit sẽ sớm không còn xuất hiện trên bầu trời trong vài năm tới.

NGỌC HÂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan. 
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
B-2 Spirit đắt đỏ nhưng có đáng giá?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO