Sau Chủ tịch đội đánh trọng tài, khán giả xuống sân hành hung cầu thủ, bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ lại có thêm những chuyện chẳng giống ai.
Chức vô địch nhanh nhất lịch sử bóng đá
Fenerbahce là tên tuổi lớn nhất nhì của bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ, ‘kẻ thù’ của Galatasaray. Những trận đấu giữa hai đội này chẳng khác gì Barce – Real ở Tây Ban Nha, Inter – AC Milan ở Ý hay MU – Liverpool ở Anh.
Nhưng sáng nay, trong khi Galatasaray đưa ra đội hình mạnh nhất thì Fenerbahce chỉ đưa ra đội hình chính lẫn dự bị 100% là đội…U19.
Ở giây thứ 59, Mauro Icardi đã ghi bàn cho Galatasaray. Không cần giao bóng trở lại, các cầu thủ Fenerbahce lập tức…rời sân trong sự ngỡ ngàng của đối thủ lẫn khán giả.
Đầu phút thứ 5, trọng tài Halil Umut Meler quyết định dừng trận đấu. Galatasaray được xử thắng, qua đó vô địch Siêu cúp Thổ Nhĩ Kỳ chỉ sau …1 phút. 5/11 cầu thủ Galatasaray vẫn chưa đụng vào bóng.
Để phục vụ khán giả đã đến sân cổ vũ, Galatasaray quyết định…chia phe đá nội bộ. Những cầu thủ dự bị: Hakim Ziyech, Wilfried Zaha, Ndombele, Serge Aurier, Davinson Sanchez, Kerem Demirbay, Carlos Vinicius, Tete v..v vào sân mặc áo bib đá ‘chết bỏ’ dưới sự điều hành của các trọng tài là…ban huấn luyện đội vì các ‘vua áo đen’ đã bỏ về.
Không tính các trận đấu bị hủy, đây là trận đấu chính thức (có thi đấu) tranh chức vô địch nhanh nhất lịch sử bóng đá. Nếu bình chọn một nền bóng đá nhiều chuyện cười ra nước mắt nhất trong năm, có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ không có đối thủ.
Tấn hài kịch
Câu hỏi là vì sao Fenerbahce lại hành xử như vậy? Và bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ vì đâu nên nỗi?
Trận Siêu cúp này theo kế hoạch tổ chức vào tháng 8/2023 nhưng do cả hai bận đá vòng loại cúp châu Âu nên phải dời lại.
Liên đoàn Bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ (TFF) thông báo trận Siêu cúp sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12 trên sân Al-Awwal Park ở…Saudi Arabia. Nguyên nhân là để được tài trợ, tăng doanh thu như cách mà các Siêu cúp Ý, Tây Ban Nha được kéo sang đây.
Rắc rối lúc này liên quan đến chính trị khi Chính quyền Saudi Arabia cấm tuyệt đối các cầu thủ lẫn CĐV mang theo các vật dụng, banner, áo thun, cờ phướn đến sân để tưởng nhớ Mustafa Kemal Ataturk – nhà lãnh đạo cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ có công lập quốc, trong dịp 100 năm Tuyên ngôn cộng hòa của đất nước.
Trước giờ bóng lăn, hai đội rút lui, từ chối thi đấu nên kế hoạch đổ bể, phải dời lại. Thậm chí trước trận đấu sáng nay, Fenerbahce còn yêu cầu hoãn vì chuẩn bị đá Europa Conference League với Olympiakos. TFF và Galatasaray từ chối yêu cầu. Đó là lý do họ đưa “các cháu U19” ra sân tiếp “các chú Galatasaray”.
Bạo lực và vô tổ chức
Cách hành xử đậm màu nghiệp dư của Fenerbahce là kết quả của rất nhiều những bức bối trong thời gian qua. Cũng là tình trạng ‘vô chính phủ’ trong bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ bị cả thế giới cười cợt.
Tháng 3/2024, sau khi thắng 3-2 trước Trabzonspor trên sân khách ở giải Super Lig, các cầu th3u Fenerbahce đã bị CĐV chủ nhà tràn xuống sân hành hung nghiêm trọng, chủ tịch Ali Koc dọa sẽ bỏ giải. Nói là làm, đầu tháng này Fenerbahce tổ chức hẳn một cuộc bỏ phiếu ngay tại sân nhà Sukru Saracoglu. Có 45.174 hội viên tham gia bỏ phiếu, kết quả là…đá tiếp. Tuy nhiên, các hội viên đã đồng ý cho CLB có những hành động ứng phó, với lộ trình bao gồm việc từ chối chơi trận Siêu cúp (theo đề xuất của chủ tịch Ali Koc) và xem xét khả năng không tham dự Cúp Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ trong hai mùa giải tới.
Vụ bạo lực trận Trabzonspor vs Fenerbahce chỉ là 3 trong số rất nhiều những vấn đề phát sinh ở bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ mùa giải hiện tại cũng như nhiều năm đã qua.
Từ đầu mùa giải tới giờ, đã không ít lần xảy ra tình trạng phản đối quyết định của trọng tài trong các trận đấu ở giải Thổ. Tháng 12/2023, Chủ tịch Faruk Koca của CLB Ankaragucu đang đá giải Super Lig đã lao xuống sân…đấm vào mặt trọng tài chính Halil Umut Meler, vì cho rằng những quyết định của trọng tài này đã khiến đội bóng của ông trải qua trận hòa trước Caykur Rizespor.
Faruk Koca bị bắt giữ, bị TFF cấm tham gia các hoạt động bóng đá vĩnh viễn và đối mặt với những cuộc hầu tòa.
Tổng hợp Le Foot, Dailymail, Reuters