Australia tập trung toàn lực cho ngoại giao vaccine Covid-19. (Nguồn:smh) |
Nhật báo Australian Financial Review (AFR) ngày 13/8 dẫn một nguồn tin ngoại giao mô tả các nỗ lực trên như là "một cuộc tranh giành điên cuồng", trong đó đích thân Thủ tướng Morrison gọi điện cho các nhà lãnh đạo đồng cấp, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt và các bộ trưởng khác liên hệ với các đối tác nước ngoài, chủ yếu là các nước Nam và Tây Âu và Mỹ.
Trong khi đó, các quan chức đại sứ quán của Australia ở nước ngoài cũng tập trung vào nhiệm vụ được xác định là trọng yếu này.
AFR cho biết Canberra cũng sẵn sàng trả giá cao hơn khi cần thiết.
Chính phủ Australia đang tìm cách mua lại một triệu liều vaccine Pfizer từ một quốc gia có hợp đồng mua một số lượng lớn vaccine với hãng Pfizer, cũng như làm việc trực tiếp với hãng này và mạng lưới phân phối để tìm mua các liều vaccine dư thừa.
Nhờ nỗ lực trên, Australia đã nhận được 1,2 triệu liều vaccine Pfizer trong tuần này, cao hơn so với số lượng dự kiến là 1 triệu liều.
Hiện Australia nhận nguồn vaccine Pfizer sản xuất ở châu Âu.
Một nguồn tin ngoại giao nước ngoài của nhật báo ARF cho biết hãng Pfizer đã hoàn thành các đơn đặt hàng của các nước thuộc Liên minh châu Âu và điều này có nghĩa là việc xuất khẩu vaccine sang các quốc gia khác, trong đó có Australia, đã được “bật đèn xanh”.
Bên cạnh đó, kho dự trữ vaccine AstraZeneca của Mỹ cũng đã trở thành tâm điểm vận động hành lang của nhiều quốc gia. Cho đến nay, các nhà chức trách Mỹ vẫn chưa phê duyệt vaccine này.
Vào tháng 3 vừa qua, chính quyền Mỹ đã đồng ý cung cấp một số liều vaccine AstraZeneca cho Canada và Mexico.
Tuần trước, Canberra cũng đã nhận được 900.000 liều vaccine AstraZeneca từ Mỹ với điều kiện sẽ tặng chúng cho các nước láng giềng Thái Bình Dương, trong khi dành nguồn vaccine AstraZeneca sản xuất trong nước cho người dân Australia.
Đầu năm nay, khi châu Âu không cung cấp 3 triệu liều vaccine AstraZeneca như đã hứa cho Australia, Anh đã gửi 700.000 liều sau khi Thủ tướng Morrison gọi điện cho người đồng cấp Anh Boris Johnson.