AUKUS và sự xáo trộn bàn cờ địa chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương

Ngọc Hà| 20/09/2021 21:04

Việc Washington thông báo thành lập cơ chế an ninh 3 bên Mỹ-Australia-Anh (AUKUS) đã làm bùng nổ cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ-Pháp, Australia-Pháp nói riêng và giữa liên minh xuyên Đại Tây Dương nói chung.

AUKUS và sự xáo trộn bàn cờ châu Á-Thái Bình Dương
Động thái thành lập cơ chế 3 bên Mỹ-Australia-Anh (AUKUS) được cho là đã làm bùng nổ cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ-Pháp, Australia-Pháp nói riêng và giữa liên minh xuyên Đại Tây Dương nói chung. (Nguồn: Getty Images)

Đằng sau những tuyên bố mang tính xoa dịu căng thẳng và trấn an Pháp khi Paris coi việc thành lập cơ chế ba bên Mỹ-Australia-Anh (AUKUS) là "nhát dao đâm sau lưng", giới quan sát nhận thấy những mâu thuẫn không thể dung hòa giữa Mỹ và Pháp, cũng như giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), trong cuộc cạnh tranh quyền lãnh đạo.

Ở cấp độ rộng lớn hơn, AUKUS cho thấy sự thay đổi trong tương quan lực lượng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, để rồi những nước và liên minh muốn can dự vào khu vực này cần rút ra những bài học quan trọng.

Sau khi tuyên bố thành lập, nhiệm vụ đầu tiên của AUKUS là cung cấp cho Australia một đội tàu ngầm nguyên tử với công nghệ của Mỹ và nhiều khả năng bao gồm cả của Anh.

Quyết định này khiến hợp đồng đặt mua 12 tàu ngầm mà xứ sở chuột túi ký kết với Pháp năm 2016 bị hủy bỏ. Động thái này đã làm cho Paris nổi giận.

Căng thẳng không thể xoa dịu

Cho dù cả Mỹ, Anh và Australia đều có những động thái trấn an và xoa dịu, thậm chí biện minh, song không thể làm cơn thịnh nộ của Pháp nguôi ngoai.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định: “Pháp là một đối tác trọng yếu tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trong nhiều lĩnh vực khác”, và “đây là điều đã diễn ra từ lâu và sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai”.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng khẳng định, Washington sẽ “tiếp tục cộng tác mật thiết với Paris” - “đồng minh chủ chốt” tại khu vực chiến lược này.

Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 19/9 tuyên bố trước báo giới rằng, chính phủ Pháp đáng lẽ đã biết được việc Canberra "quan ngại sâu sắc và nghiêm túc" về năng lực được trang bị trên tàu ngầm lớp Attack sẽ không đáp ứng những lợi ích chiến lược.

Hồi tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Grey Moriarty cũng công khai phát tín hiệu rằng, Australia đang cân nhắc những lựa chọn khác nhau cho việc xây dựng hạm đội tàu ngầm.

Chính phủ Pháp ngay lập tức bác bỏ khẳng định của Mỹ rằng các bên đã có nhiều tiếp xúc khác với Pháp để thông tin về dự án liên minh này, trước khi thông báo chính thức.

Trên thực tế, khủng hoảng về vụ hợp đồng tàu ngầm Australia đã phơi bày nhiều mâu thuẫn không thể dung hòa giữa Pháp và Mỹ, cũng như giữa EU và Mỹ.

Khi lo ngại tác động của cuộc khủng hoảng ngoại giao này đối với chủ quyền và lợi ích quốc gia của Canberra, cựu Thủ tướng Australia Paul Keating đã chỉ trích gay gắt nhất quan hệ đối tác AUKUS.

Ông Keating trên tờ The Australian ngày 17/9 cảnh báo, mối quan hệ đối tác mới sẽ khiến Australia phải “vật lộn” với những khó khăn cao độ trong việc phát triển và duy trì một hạm đội tàu ngầm hạt nhân vũ trang sẽ được chuyển giao trong khuôn khổ AUKUS.

Tương tự, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Australia Hugh White, Giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) cho rằng, quyết định sử dụng tàu ngầm hạt nhân là "bước đi sai lầm" khi "không giúp ích gì nhiều" cho Mỹ trong việc đánh bại hoặc răn đe Trung Quốc.

Cạnh tranh vị thế lãnh đạo

Bà Anne Cizel, chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ tại Đại học Sorbonne, Paris cho rằng, “đòn đánh” có tính toán nhắm vào Pháp là một cuộc “tranh giành quyền lãnh đạo”.

Từ nhiều năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tự khẳng định là người đi đầu trong sáng kiến xây dựng nền quốc phòng “tự chủ” và sự tự chủ về chiến lược của châu Âu. Một nền quốc phòng tự chủ của châu Âu đồng nghĩa với vị thế của Mỹ tại "lục địa già" sụt giảm.

Trong khi đó, đài BBC ghi nhận, Washington đã tăng cường hiện diện quân sự và đang đầu tư mạnh mẽ vào các mối quan hệ đối tác khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các nhà phân tích nói rằng, việc đóng các tàu ngầm ở Australia là rất quan trọng đối với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Cạnh tranh và xung khắc là điều khó tránh khỏi trong quan hệ Mỹ-Pháp, Mỹ-châu Âu, một khi EU với sự thúc đẩy của cặp đôi Đức-Pháp muốn vươn lên tìm cách khẳng định vị trí của một thế lực địa chính trị.

Chuyên gia Anne Cizel nhận định, 4 năm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump khiến quan hệ hợp tác giữa hai bờ Đại Tây Dương suy giảm, nhưng “cũng mang lại một cơ hội cho Pháp và cặp đầu tàu Pháp-Đức khẳng định vị thế lãnh đạo” tại châu Âu.

Ngày 15/9, ít giờ trước khi Mỹ công bố thỏa thuận AUKUS, trong bài diễn văn thường niên về tình hình EU đọc tại Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đặc biệt nhấn mạnh, đã đến lúc EU phải khẳng định năng lực quốc phòng tự chủ, sẵn sàng hành động ở “nơi nào mà NATO và Liên hợp quốc không có mặt”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến của Paris tổ chức hội nghị về quốc phòng EU, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2022, trùng với thời gian Pháp làm Chủ tịch luân phiên của khối này.

Sự xáo trộn bàn cờ địa chính trị

Nhận định về tác động đối với tương quan lực lượng ở khu vực, tờ L’Express của Pháp nhận định, cơ chế quốc phòng mới AUKUS đã xáo lại ván bài ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trung Quốc kịch liệt phản đối, tố cáo thương vụ Mỹ bán tàu ngầm cho Australia là “hết sức vô trách nhiệm”, một liên minh “làm phương hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định khu vực”.

Đài Sputnik ngày 17/9 dẫn lời ông Jia Wenshan, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Năng lực Toàn cầu tại Đại học Sơn Đông cho rằng, Washington đang đặt cược vào Australia với tư cách là công cụ ảnh hưởng quân sự của Mỹ ở châu Á.

Những phản ứng gay gắt của Trung Quốc là dễ hiểu bởi AUKUS sẽ tác động đến tương quan lực lượng ở châu Á-Thái Bình Dương, và việc triển khai tàu ngầm nguyên tử tấn công là mối đe dọa thực sự cho các hoạt động của hải quân Trung Quốc.

Ông Mathieu Duchâtel, Viện Montaigne nhấn mạnh, dù đã có nhiều tiến bộ về chống tàu ngầm, nhưng đây vẫn là một trong những điểm yếu chính của Trung Quốc.

Theo chuyên gia Duchâtel, AUKUS bổ sung cho cơ chế Bộ tứ (Quad) nhằm đối chọi với Trung Quốc. Dự kiến lãnh đạo các nước Bộ tứ sẽ nhóm họp trực tiếp vào cuối tháng 9 này.

Ba bài học từ liên minh AUKUS

Tờ Le Monde của Pháp cuối tuần qua đã rút ra ba bài học từ liên minh AUKUS.

Trước hết, về quan hệ Mỹ-châu Âu, đường hướng chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden không khác nhiều so với chính quyền của ông Donald Trump tiền nhiệm.

Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ đều đặt chính sách "Nước Mỹ trước tiên" lên hàng đầu với những lợi ích chiến lược, kinh tế, tài chính, y tế.

Bài học thứ hai liên quan đến London. Thỏa thuận này là giai đoạn quan trọng hậu Brexit, đặt nước Anh vào chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà nếu chỉ có một mình, Anh không thể làm được.

Bài học thứ ba, quan trọng và phức tạp hơn, dành cho châu Âu, đó là đánh giá lại vai trò của châu lục này trên bàn cờ chính trị thế giới.

Châu Âu sẽ đứng ở đâu trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung? Liệu có thể hành động như một sức mạnh độc lập, hay mạnh ai nấy làm, không thể tạo được ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của mình?

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/aukus-va-su-xao-tron-ban-co-dia-chinh-tri-o-chau-a-thai-binh-duong-159109.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/aukus-va-su-xao-tron-ban-co-dia-chinh-tri-o-chau-a-thai-binh-duong-159109.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
AUKUS và sự xáo trộn bàn cờ địa chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO