Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: TTXVN phát)
Ngày 24/10, tại New York (Mỹ), Ủy ban các Vấn đề Chính trị Đặc biệt và Phi Thực dân hóa (Ủy ban 4) của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 đã tổ chức phiên thảo luận chung về hợp tác quốc tế trong sử dụng hòa bình khoảng không ngoài vũ trụ với phát biểu của đại diện gần 40 nhóm nước và quốc gia.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phát biểu thay mặt Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã nhấn mạnh quan điểm chung của ASEAN về việc bảo đảm quyền tiếp cận của mọi quốc gia đối với khoảng không ngoài vũ trụ vì mục đích hòa bình và lợi ích chung của nhân loại.
ASEAN chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về nguy cơ chạy đua vũ trang, ô nhiễm môi trường, gia tăng rác thải và các thách thức khác đối với sự ổn định, bền vững lâu dài của khoảng không ngoài vũ trụ.
ASEAN đánh giá cao các nỗ lực nhằm tăng cường hiểu biết về an ninh vũ trụ, củng cố các khung pháp lý và nâng cao năng lực quản trị đối với các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ.
Đại diện Việt Nam khẳng định ASEAN ủng hộ tăng cường vai trò của Liên hợp quốc, nhất là Đại hội đồng, trong việc đảm bảo sử dụng và khai thác khoảng không ngoài vũ trụ một cách hòa bình, mang lại lợi ích chung cho tất cả các quốc gia. ASEAN nhấn mạnh các bên tham gia hoạt động trong khoảng không ngoài vũ trụ có trách nhiệm tuân thủ các nghị quyết liên quan của Đại hội đồng, cũng như các nguyên tắc chung được áp dụng phổ biến trong lĩnh vực không gian ngoài vũ trụ.
ASEAN kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, nhất là các nước phát triển, đóng góp tài chính nhiều hơn nữa cho Chương trình Liên hợp quốc về Sử dụng hòa bình khoảng không ngoài vũ trụ.
Toàn cảnh phiên thảo luận chung. (Ảnh: TTXVN phát)
ASEAN kêu gọi các bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, thăm dò khoảng không ngoài vũ trụ vì mục đích hòa bình và phát triển bền vững, trong đó chú trọng chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các quốc gia đang phát triển.
ASEAN cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đồng bộ hóa, gắn kết các chương trình nghiên cứu, thăm dò khoảng không ngoài vũ trụ với việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
ASEAN ủng hộ các sáng kiến tăng cường hợp tác với các đối tác ngoài khu vực nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường, an ninh, an toàn bảo đảm sử dụng hòa bình khoảng không ngoài vũ trụ trong tương lai.
Ủy ban các Vấn đề Chính trị đặc biệt và Phi thực dân hóa là một trong 6 ủy ban chính của Đại hội đồng Liên hợp quốc, có chức năng xem xét, thảo luận các vấn đề liên quan phi thực dân hóa, thông tin, hợp tác quốc tế trong sử dụng hòa bình khoảng không ngoài vũ trụ, vấn đề Palestine./.