ASEAN - Một Cộng đồng lấy người dân làm trung tâm

Phạm Hằng| 18/12/2023 07:22

56 năm hình thành và phát triển, không ít lần “bó lúa vàng ASEAN” phải nghiêng ngả trước giông bão. Được vững vàng, đoàn kết và mạnh mẽ như hiện nay mới thấy ASEAN đã bản lĩnh, kiên cường như thế nào.

Cộng đồng ASEAN ra đời với mục tiêu để ASEAN lớn mạnh, phát triển hơn nữa,  để cuộc sống mỗi người dân ASEAN ngày một tốt đẹp hơn.
Cộng đồng ASEAN ra đời với mục tiêu để ASEAN lớn mạnh, phát triển hơn nữa, để cuộc sống mỗi người dân ASEAN ngày một tốt đẹp hơn. (Nguồn: Getty Images)

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Cộng đồng ASEAN ra đời (năm 2015) cũng với mục tiêu, sứ mệnh để ASEAN lớn mạnh, phát triển hơn nữa, để cuộc sống mỗi người dân ASEAN ngày một tốt đẹp hơn. Tinh thần cốt lõi của Cộng đồng ASEAN, với trụ cột Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN (ASCC), là lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Hành trình này đã và đang được hiện thực hóa với nỗ lực, quyết tâm của tất cả 10 thành viên Hiệp hội trong nhiều năm qua.

Hợp tác văn hoá xã hội tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển toàn diện, đồng đều, bao trùm và bền vững trong ASEAN, cải thiện đời sống và nâng cao tinh thần của người dân, qua đó đóng góp vào phục hồi kinh tế - ổn định xã hội, tăng cường đoàn kết và bản sắc ASEAN.

Kể từ năm 2020 đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, ASCC vẫn luôn cố gắng duy trì và phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao tính tự lực tự cường, nỗ lực trong các hợp tác chuyên ngành, đặc biệt là các nỗ lực phục hồi sau đại dịch để cùng nhau xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc, sẵn sàng cho mọi tình huống.

Điều này được khẳng định với nhiều văn kiện, Tuyên bố quan trọng được các nhà lãnh đạo Cấp cao ASEAN ghi nhận, thông qua trong những năm qua. Các hoạt động, sáng kiến tập trung vào ứng phó với các trường hợp khẩn cấp và thảm họa, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy công tác xã hội, kinh tế chăm sóc, trao quyền và phát triển cho thanh niên, phúc lợi xã hội, giáo dục, phát triển phụ nữ, xóa đói giảm nghèo, sức khỏe cộng đồng, phát triển thể thao, văn hóa và thông tin, biến đổi khí hậu. Ngành giáo dục – đào tạo cũng đang tạo sự chuyển biến trong việc thúc đẩy áp dụng chuyển đổi số, thích nghi giáo dục và đào tạo trong bối cảnh bình thường mới để học sinh, sinh viên có thể đến trường, kết hợp học tập theo nhiều hình thức khác nhau hướng tới một thế hệ công dân ASEAN là công dân toàn cầu.

Năm 2023, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Indonesia với chủ đề “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, ASEAN nhất trí tập trung hợp tác văn hoá - xã hội vào năm ưu tiên: Củng cố kiến trúc y tế khu vực; phát triển nông thôn; bảo vệ đa dạng sinh học để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực lao động và bảo vệ lao động di cư; thúc đẩy phát triển hoà nhập cho người khuyết tật.

Theo đó, các kênh chuyên ngành thuộc trụ cột ASCC đã tích cực xây dựng và hoàn thành bốn tuyên bố để thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 42 (diễn ra tại Jakarta, Indonesia tháng 5/2023) gồm: Tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN về sáng kiến Một sức khỏe; Tuyên bố ASEAN về bảo vệ lao động di cư và thành viên gia đình trong tình huống khủng hoảng; Tuyên bố ASEAN về bố trí việc làm và bảo vệ lao động di cư làm việc trên tàu cá và Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về thành lập Mạng lưới Làng xã ASEAN.

Đóng góp tích cực của Việt Nam

Thời gian qua, Việt Nam luôn chú trọng thúc đẩy việc thực hiện Kế hoạch tổng thể ASCC đến năm 2025. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 phê duyệt “Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của ASCC đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 161), trong đó chỉ đạo việc lồng ghép thực hiện các mục tiêu của ASCC vào các chương trình, dự án quốc gia.

Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASCC. Trong năm bản lề, ghi dấu mốc 5 năm Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của Cộng đồng, trong đó có việc triển khai ASCC.

Trong vai trò Chủ tịch ASCC 2020, Việt Nam đã chủ trì, dẫn dắt hoàn thành tất cả văn kiện, Tuyên bố để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37 thông qua, ghi nhận. Trong đó, có hai Tuyên bố quan trọng là Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay và Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.

Bên cạnh đó, Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch Tổng thể ASCC 2025 cũng được trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37. Đây là kết quả và dấu ấn quan trọng của ASCC trong năm 2020.

Tiếp tục tinh thần ấy, trong những năm qua, bên cạnh việc ủng hộ và triển khai các ưu tiên của Cộng đồng do nước Chủ tịch ASEAN đề ra, Việt Nam tiếp tục chú trọng thực hiện Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng, là một trong những quốc gia đi đầu trong việc lồng ghép, thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch Tổng thể vào các chương trình, dự án quốc gia thông qua Đề án 161. Các kết quả thực hiện Đề án 161 nói riêng và Kế hoạch tổng thể ASCC 2025 tại Việt Nam đến nay đã đạt được nhiều thành tựu, thể hiện trên nhiều lĩnh vực như thoát nghèo; đảm bảo tất cả các gia đình được tiếp cận với nước uống an toàn và vệ sinh an toàn; tăng tỷ lệ sống ở bà mẹ và trẻ sơ sinh và đảm bảo rằng trẻ em ở tuổi đi học được tới trường; thúc đẩy việc làm bền vững; bảo vệ môi trường… góp phần vào kết quả chung của khu vực và tăng cường hình ảnh của ASEAN tại Việt Nam.

Những nỗ lực đó rõ ràng cho thấy cam kết của Việt Nam đối với Cộng đồng ASEAN mà cụ thể là ASCC không chỉ về đường lối, định hướng, chính sách mà còn hướng vào những hành động cụ thể được triển khai ở cả cấp khu vực và quốc gia.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
ASEAN - Một Cộng đồng lấy người dân làm trung tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO