Apple Watch khiến người dùng khỏe mạnh tưởng mình mắc bệnh tim

03/10/2020 10:33

Theo nghiên cứu mới đây, tính năng theo dõi nhịp tim trên Apple Watch đã biến tình trạng sức khỏe của người dùng từ "không thành có" vấn đề.

Tại chuỗi phòng khám Mayo Clinic, có khoảng 10% bệnh nhân đến gặp bác sĩ sau khi Apple Watch cảnh báo nhịp tim bất thường và chẩn đoán họ mắc bệnh tim.

Phát hiện cho thấy các thiết bị theo dõi sức khỏe tại nhà có thể gián tiếp làm quá tải hệ thống chăm sóc y tế, tác giả nghiên cứu kiêm Phó giáo sư Khoa Cấp cứu tại Đại học Y Mayo Clinic, Heather Heaton cho biết. Điều này gây tốn kém nguồn lực bệnh viện, cũng như làm mất thì giờ của cả bác sĩ lẫn bệnh nhân.

Heaton và nhóm nghiên cứu đã sàng lọc toàn bộ hồ sơ sức khỏe từ nhiều phòng khám trực thuộc Mayo Clinic, bao gồm ở Arizona, Florida, Wisconsin và Iowa. Qua đó tìm hiểu tác động của Apple Watch lên thói quen theo dõi sức khỏe của người dùng từ tháng 12/2018 - tháng 4/2019.

Kể từ khi tính năng đo điện tâm đồ ECG được trang bị trên Apple Watch Series 4 với khả năng theo dõi và cảnh báo nhịp tim bất thường – một triệu chứng của bệnh rung tâm nhĩ, một số người dùng đã phát hiện bệnh và cứu chữa kịp thời. Vì lẽ đó, phần đông người dùng đã bị thuyết phục và tin vào những cảnh báo sức khỏe mà Apple Watch đưa ra.

Trong tổng 264 hồ sơ bệnh án đề cập đến việc nhận thông báo từ Apple Watch liên quan đến tim mạch, có 41 người nói rằng đồng hồ đã đưa ra cảnh báo nguy hiểm trực tiếp. Phân nửa số bệnh nhân bao gồm 58 người được chẩn đoán mắc bệnh tim, trong khi trước đó là rung tâm nhĩ. Khoảng 2/3 có các triệu chứng như choáng váng, đau ngực,...

Tuy nhiên, sau khi được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán, chỉ 30 bệnh nhân tham gia nghiên cứu là mắc bệnh tim. Qua đó, hầu hết kết luận và dữ liệu liên quan đến tính năng theo dõi nhịp tim trên Apple Watch đều không hoàn toàn chính xác.

Điều này có thể dẫn đến một số hệ lụy như khiến người dùng căng thẳng, lo lắng mặc cho cơ thể không có bất kỳ triệu chứng gì, cũng như khiến họ buộc lòng phải đến tìm gặp bác sĩ thăm khám.

Đồng nghiệp của Heaton trong dự án nghiên cứu, Phó giáo sư Kirk Wyatt cho biết: "Người dùng khó có thể phớt lờ trước một cảnh báo sức khỏe tiêu cực". Heaton chia sẻ thêm, trong nhiều năm, các bác sĩ thường tiếp nhận bệnh nhân đến khám sau khi họ tham khảo tài liệu sức khỏe trên mạng.

Tuy nhiên, đồng hồ thông minh lại giám sát thụ động các đối tượng người dùng không quan tâm chẩn đoán trực tuyến, tức đặt niềm tin tuyệt đối vào thiết bị. Mặc dù tỷ lệ người đo ra nhịp tim bất thường trên chúng là rất thấp (với Apple Watch là chưa đến 1% người dùng) thì vẫn sẽ có hàng nghìn người trong số hàng triệu sử dụng sản phẩm đi khám bác sĩ.

Không riêng gì Apple, các mẫu đồng hồ như Samsung Galaxy Watch Active 3 hay Fibit Sense cũng được trang bị tính năng theo dõi nhịp tim. Những sản phẩm này đang "làm mờ ranh giới giữa các công cụ chăm sóc sức khỏe và thiết bị y tế được nghiên cứu nghiêm ngặt", Wyatt nhận định. Không phải ai cũng có thể hiểu hết công năng hoạt động của chúng và thực sự nên dùng vào mục đích gì.

Ví dụ, những bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng rung tâm nhĩ lại không thường dùng Apple Watch – trong khi hơn 20% số người tham gia nghiên cứu của Mayo Clinic lại có. Tính năng này cũng không dành cho những ai dưới 22 tuổi, nhưng lại có đến gần 20 người tham gia nghiên cứu thấp hơn ngưỡng tuổi đó.

Đồng hồ thông minh có thể là cách hữu ích để mọi người tự theo dõi sức khỏe tại nhà, song hiệu quả của những tiện ích đó vẫn chưa thực sự rõ ràng. Trong hầu hết mọi nghiên cứu về Apple Watch, các dữ liệu thống kê đều tập trung xoay quanh khả năng phát hiện rung tâm nhĩ, nhưng lại không nêu được ứng dụng thực tiễn như một công cụ sàng lọc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Nếu không có những thông tin nói trên, các bác sĩ như Heaton lo ngại rằng chúng có thể gây nhầm lẫn và căng thẳng không cần thiết cho bệnh nhân. "Việc am hiểu nguy cơ và triệu chứng các bệnh là rất quan trọng, nhất là trong tình hình hiện nay, chúng ta không thể tin hoàn toàn vào một thiết bị đeo theo dõi sức khỏe", bà cho biết.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Apple Watch khiến người dùng khỏe mạnh tưởng mình mắc bệnh tim
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO