Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa bão năm 2022 đã bắt đầu với sự xuất hiện của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đêm 28/6.
Cơ quan dự báo quốc tế nhận định hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới rất rộng, có thể hướng đến Hong Kong (Trung Quốc) hoặc miền Trung nước ta.
Theo trung tâm khí tượng, lúc 13h ngày 29/6, áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 480 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39 - 61 km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 9 khoảng 100 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5 - 10 km và có thể mạnh lên thành bão.
Đến 13h ngày 30/6, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 420 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74 km/giờ), giật cấp 10.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 13h ngày 1/7, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 410 km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74 km/giờ), giật cấp 10.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10 km và tiếp tục mạnh thêm.
Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau khả năng mạnh lên thành bão nên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 3-5m, biển động mạnh.
Trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) gió Tây Nam mạnh dần lên cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2 - 3 m, biển động.
Cũng theo cơ quan khí tượng, trong 6 giờ qua, vùng núi Bắc Bộ mưa nhỏ, có nơi mưa vừa.
Dự báo trong 6 giờ tới, Bắc Bộ tiếp tục mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 5 - 15 mm, có nơi trên 30 mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng và Bắc Kạn; TP Hải Phòng đề phòng ngập úng vùng trũng.