Cơ quan khí tượng nhận định, sau khi đi vào vị trí 13,9 độ Vĩ Bắc, 113,5 độ Kinh Đông thời điểm lúc 13h ngày 8/5, áp thấp nhiệt đới sẽ suy yếu thành vùng áp thấp, có cường độ dưới cấp 6. Do đó, cơn áp thấp này không có khả năng mạnh lên thành bão.
Về diễn biến cơn áp thấp nhiệt đới nói trên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 13h chiều nay (7/5), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13 độ Vĩ Bắc, 115,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (Quần đảo Trường Sa - Khánh Hòa) khoảng 230km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo, từ 24-48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km/h và suy yếu thành vùng áp thấp.
Từ 24-48 giờ tiếp theo, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.
Cảnh báo, vùng biển phía Đông khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động và có sóng biển cao từ 1,5-2,5m.
Trước đó, sáng 5/5, vùng áp thấp ở khu vực miền Trung Philippines đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Đến tối cùng ngày, áp thấp nhiệt đới vượt qua eo biển Philippines đi vào Biển Đông. Suốt nhiều giờ hoạt động trên Biển Đông, cơn áp thấp này vẫn duy trì cường độ cấp 6, giật cấp 8.
Dự báo xa về bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định: La Nina (hiện tượng bề mặt biển ở trung tâm và phía Đông xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường) đã duy trì đến hết mùa Xuân năm 2023, thời gian tiếp theo đang xu hướng chuyển dần sang trạng thái trung tính vào những tháng mùa Hè.
Với xu thế khí tượng trên, dự báo có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trong năm 2023 trên khu vực Biển Đông.
Trong đó, có 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền, các tháng đầu mùa sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc; từ khoảng tháng 9-11 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung.