Áp lực xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà

Thế Kha| 04/03/2022 14:30

Nhiều F0 khi được hỏi thì cho biết là không được hướng dẫn cách phân loại rác thải cũng như xử lý đồ dùng cá nhân của F0 như thế nào trong suốt thời gian qua".

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Xử lý rác thải của bệnh nhân F0 điều trị tại nhà" sáng 4/3, ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết số ca mắc Covid-19 tăng nhanh nhưng số ca nhập viện, tái nhiễm không nhiều.

Với 87% số F0 cách ly, điều trị tại nhà đã phát sinh lượng lớn rác thải y tế, rác thải sinh hoạt. Một số nơi ở xa, xe rác không thể vào thu gom được đã khiến lượng rác này tồn đọng, không được xử lý đúng quy định.

"Để khắc phục điều này, các địa phương cần nhanh chóng, rà soát phương án thu gom, xử lý chất thải"- ông Hà nhấn mạnh.

Áp lực xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà - 1

Ông Nguyễn Thanh Hà trao đổi thông tin tại buổi tọa đàm trực tuyến sáng 4/3 (Ảnh: Môi trường và Cuộc sống).

Một số địa phương quá tải thu gom rác thải có nguy cơ lây nhiễm

Theo ông Nguyễn Thanh Hà, rác thải từ người mắc Covid-19 và người chăm sóc đều được coi là rác thải có nguy cơ lây nhiễm. Từ đó, Bộ Y tế đã thống nhất tất cả rác thải của các gia đình có F0 điều trị tại nhà cần phải buộc vào các túi nilon riêng. Sau đó phải được phun khử khuẩn và mang ra điểm tập kết để người thu gom, làm vệ sinh môi trường biết đó là rác thải có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Tiếp đó là vận chuyển, bàn giao đến các đơn vị xử lý rác thải có giải pháp xử lý an toàn, tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.

Để giúp người dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong việc thu gom rác thải của bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, theo ông Hà, cần tăng cường truyền thông nhận thức cho người dân trong việc khai báo y tế, nhắc nhở, giám sát việc cách ly và hỗ trợ người dân trong việc thu gom rác tại nhà.

Ông Nguyễn Thành Lam (đại diện Vụ quản lý chất thải, Tổng Cục Môi trường) thừa nhận công tác thu gom rác thải ở một số địa phương đang có hiện tượng quá tải.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuẩn bị các đề xuất, phương án để hỗ trợ chi phí cho bên xử lý rác thải. Trong đó, hướng dẫn các tỉnh, thành phố bố trí nguồn lực cho các địa phương; đồng thời truyền thông nhiều hơn nữa để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phân loại, thu gom để xử lý rác đúng quy định nhất.

Từ thực tế ở cơ sở, bác sĩ Nguyễn Hải Yến - Phó Giám đốc Trung tâm y tế quận Cầu Giấy (Hà Nội) phản ánh số lượng F0 tăng nhanh khiến công tác quản lý chất thải được rất nhiều người dân quan tâm. Tuy nhiên, dù đã có quy định chung nhưng việc thực hiện ở mỗi địa phương lại không đồng đều, có nơi thực hiện tốt, nơi lơ là.

"Nhiều F0 khi được hỏi thì cho biết là không được hướng dẫn cách phân loại rác thải cũng như xử lý đồ dùng cá nhân của F0 như thế nào trong suốt thời gian qua"- bác sĩ Yến nói.

Quận Cầu Giấy đã quán triệt quyết liệt từ quận đến các phường, hệ thống chính trị và người dân nhưng việc thu gom và xử lý rác thải của bệnh nhân F0 điều trị tại nhà đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Chiến - Giám đốc chi nhánh Hoàn Kiếm Urenco 2 nêu thực trạng khi số lượng F0 tăng nhanh đã gây nhiều khó khăn, áp lực trong việc thu gom rác thải.

"Hộ gia đình không bỏ rác vào túi riêng. Hiện nay việc bỏ rác thải của F0 vào "túi màu vàng" vẫn còn hạn chế, vậy nên công nhân khi đi thu gom rác không nhận biết được màu sắc túi riêng. Nhiều hộ gia đình đưa rác ra điểm thu gom rác không đúng giờ, gây khó khăn rất cho công tác thu gom rác thải"- ông Chiến nói.

Áp lực xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà - 2

Ông Nguyễn Hữu Chiến cho biết số lượng F0 tăng nhanh đã gây nhiều khó khăn, áp lực trong việc thu gom rác thải.

Lực lượng thu gom rác, công nhân của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) bị F0 nhiều, dẫn tới thiếu hụt lực lượng và áp lực tăng ca để phục vụ thu gom.

Trong khi các ca F0 điều trị tại nhà nằm rải rác trong các ngõ ngách sâu, khu nhà cao tầng dẫn tới phát sinh nhiều điểm thu. Việc bố trí nhân công, phương tiện thì tốn kém, phát sinh nhiều chi phí.

"Lượng rác tăng, áp lực xử lý rác F0 tại nhà, và hiện nay chưa có đơn giá chính thức về rác thải này, gây ra nhiều khó khăn"- ông Chiến nêu thực tế.

F0 nên giảm thiếu tối đa lượng chất thải phát sinh

Bác sĩ Nguyễn Hải Yến tư vấn, để tránh việc lây nhiễm chéo cho các thành viên trong cùng một gia đình, F0 bắt buộc phải cách ly riêng và thực hiện lau chùi vệ sinh phòng 2 lần/ngày, mở cửa phòng thông thoáng, hạn chế tối đa tiếp xúc với những thành viên chưa là F0.

Còn F1 cũng cần lau chùi nhà hàng ngày, khử khuẩn bằng chất tẩy rửa, cồn 70 độ, phân loại rõ rác thải lây nhiễm và sinh hoạt của F0; đeo khẩu trang thường xuyên. Khi cần tiếp xúc với F0 thì cần thực hiện đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn để tránh phơi nhiễm.

Các trường hợp F0 nên giảm thiểu tối đa nhất có thể lượng rác thải phát sinh. Ngoài ra các rác thải không tiêu hủy được phải cho riêng vào 2 lần túi buộc kín, xịt cồn, bọc ngoài thêm một lần túi nữa và buộc kín, để nơi thoáng như ban công và xịt cồn để hạn chế phát tán mầm bệnh, sau đó mới mang ra ngoài nơi tập kết rác thải.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/ap-luc-xu-ly-rac-thai-cua-f0-dieu-tri-tai-nha-20220304121604754.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/ap-luc-xu-ly-rac-thai-cua-f0-dieu-tri-tai-nha-20220304121604754.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Áp lực xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO