Áp lực tâm lý của giới trẻ hiện đại: Đâu là lối thoát?

An Thanh (T/H)| 11/01/2024 21:25

Trong xã hội hiện đại, giới trẻ đang phải đối mặt với áp lực tâm lý ngày càng gia tăng từ cuộc sống, công việc, cho đến áp lực do chính bản thân tạo ra. Điều này đôi khi dẫn đến mất cân bằng cảm xúc hoặc những tác động tiêu cực đến tinh thần và sức khỏe.

z5061209126628_5c5e67723b51416b6cfea1bb054f55dc.jpg
Các bạn sinh viên "overnight" tại một quán cà phê ở làng đại học.

Áp lực đồng trang lứa

Vừa là sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, vừa là cán bộ Đoàn - Hội ưu tú. Dù vậy, Vũ Hữu Trường (sinh viên năm 4, trường ĐH KHXH và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM) vẫn cảm thấy bản thân kém cỏi hơn so với các bạn cùng trang lứa.

Nhìn bạn bè bằng tuổi mình ai có khả năng tự lo cho cuộc sống khiến mình cảm thấy áp lực. Đôi khi mình tự hỏi, cũng đi học, đi làm như mình nhưng tại sao các bạn ấy có thể vừa mua nhà, mua xe, lo cho bố mẹ, còn có tiền trang trải cuộc sống, lo cho bản thân đầy đủ được như thế”, Trường tâm sự.

Trường bày tỏ, có đôi lúc cậu bạn cảm thấy bản thân đang mang một tảng đá thật lớn trên lưng và chạy nhảy giữa Sài Gòn. Ghen tị cùng ngưỡng mộ bạn bè cùng tuổi khiến cậu bạn trở nên thiếu tự tin hơn trong các quyết định.

Trong các hoạt động hoặc bài tập phải làm nhóm, mình không còn đủ dũng khí để nói lên ý kiến vì mình hoài nghi về các đề xuất của chính mình. Đôi khi, mình còn phải cố gắng thay đổi suy nghĩ và cảm xúc của bản thân để phù hợp với nhóm”, Trường bày tỏ.

z5061211913481_b7cac999a844a0b619ea0bcca7ab5e2f.jpg
Người trẻ đang bị xoay vòng trong các áp lực.

Chỉ mới là sinh viên năm hai nhưng Thanh Nhàn, sinh viên trường ĐH Sư Phạm TP.HCM luôn bị ám ảnh bởi thành tích học tập của mình. Cô bạn cho biết, bản thân luôn muốn đạt được điểm cao trong tất cả các môn học.

Mình nghĩ, mình đã đặt cho bản thân một tiêu chuẩn quá cao, bắt buộc phải xuất sắc để đáp ứng kỳ vọng của gia đình, bạn bè và chính bản thân. Khi không thực hiện được, mình dễ rơi vào cảm xúc tiêu cực, thất vọng và không hài lòng với những gì bản thân có”, Nhàn chia sẻ.

Gần đây, để thoát khỏi áp lực, Nhàn cố gắng bình thường hóa suy nghĩ về các vấn đề. “Biết là sinh viên thì phải cố gắng hết mình, nhưng mình không suy nghĩ đến việc so sánh bản thân với người khác hay phải làm cách nào để vừa lòng tất cả mọi người nữa”, Nhàn nói.

Vui vẻ trước mặt mọi người; buồn chán, mệt mỏi khi được ở một mình, không thể suy nghĩ rõ ràng và bỗng dưng rơi nước mặt bất chợt là cảm xúc của Hoàng Thùy Linh (sinh viên năm 2, trường ĐH Khoa học Tự Nhiên - ĐHQG TP.HCM) phải đối mặt suốt 3 tháng qua.

Khi vui vẻ quá độ, mình không điều khiển được hành vi hay lời nói của bản thân. Bạn bè nói mình thay đổi, hay có thái độ và lời nói không tôn trọng người khác. Nhưng mà thật sự lúc đó mình không nghĩ được gì cả, cứ thế huỵch toẹt ra thôi”, Thùy Linh bộc bạch.

Cô bạn còn cho biết thêm: “Đôi lúc đang ngồi xem điện thoại, chẳng hiểu vì sao nước mặt tự động rơi mà không dừng lại được”.

Lựa chọn lối thoát

Ở thời điểm hiện tại, Thùy Linh chọn tâm sự với bạn bè. “Mình nói chuyện với một người chị từng ở chung ký túc xá. Chị luôn sẵn sàng ngồi hàng giờ để nghe mình nói, cả những điều mà mình cảm thấy hơi điên rồ thì chị vẫn lắng nghe.

Đôi khi, chị sẽ cho mình lời khuyên. Nhưng mà, chỉ việc chị chịu lắng nghe mình nói là mình đã thấy được an ủi rồi. Khi mình được lắng nghe, được giãi bày hết mọi thứ mình cảm thấy nhẹ lòng hơn”.

Còn với Trường, cậu bạn thúc đẩy bản thân hành động thay vì ngồi một chỗ và suy nghĩ vu vơ. “Mỗi ngày mình học một thứ mới, trau dồi thêm kiến thức và đi làm thêm để va chạm với thực tế. Mình cố gắng suy nghĩ rằng, nếu mình chăm chỉ làm việc, mình sẽ được đền đáp bằng kết quả xứng đáng”, Trường cho hay.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Áp lực tâm lý của giới trẻ hiện đại: Đâu là lối thoát?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO