Áp lực bán thực sự mạnh, tính gì cho tuần tiếp theo?

20/11/2021 07:34

Sau ba tuần tăng điểm liên tiếp VN-Index đã điều chỉnh trở lại trong tuần qua với mức giảm 1,4% xuống 1.452,35 điểm. Mức giảm này tuy không mạnh, nhưng thanh khoản tuần qua lại lập kỷ lục mới, cho thấy áp lực bán là thực sự mạnh.

Trong phiên cuối tuần, thanh khoản đạt mức kỷ lục mới khi khối lượng khớp lệnh trên sàn HOSE đạt mức 1,49 tỷ đơn vị, cao hơn 50% so với mức bình quân 20 phiên.

Mặc dù thị trường giảm điểm nhưng cổ phiếu ngân hàng vẫn đang cho thấy sức hút nhất định. Theo đó, TCB của Techcombank tăng 1,6%, CTG của Vietinbank tăng 2%, VPB của VPBank tăng 2,3%, ACB tăng 2,9% trong khi đó HDB của HDBank kết phiên tại mức giá trần với thanh khoản đạt mức kỷ lục.

Việc nhóm cổ phiếu “vua” hút tiền trở lại cho thấy dòng tiền tiếp tục xoay vòng giữa các nhóm ngành và tạo cơ hội sinh lời cho nhà đầu tư, trong bối cảnh nhiều lĩnh vực khác đã tăng giá mạnh và cần hấp thụ cung chốt lời.

Tính chung trong tuần qua, GEX, BID và HDB là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho Vn-Index, đóng góp lần lượt 2,13; 1,25 và 1,14 điểm. Ở chiều ngược lại, HPG, GAS và GVR là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số, lấy đi 7,65; 6,00 và 3,83 điểm.

Áp lực bán thực sự mạnh, tính gì cho tuần tiếp theo?

Nhìn lại diễn biến thị trường để đưa ra nhận định cho xu hướng thị trường tuần tới, bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán SHS cho rằng, trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn kết tuần trên ngưỡng hỗ trợ tâm lý và kỹ thuật 1.450 điểm nên khả năng thị trường quay trở lại đà tăng, hướng đến kháng cự tâm lý 1.500 điểm là hoàn toàn có thể.

Tuy nhiên, những rung lắc có thể xảy ra thường xuyên hơn trong giai đoạn tới. Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo 22/11-26/11, VN-Index có thể tăng điểm trở lại để hướng đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Nhà đầu tư đã mua vào khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm và mua thêm khi thị trường kiểm định ngưỡng hỗ trợ 1.450 điểm có thể tận dụng những phiên tăng điểm trong tuần tới để chốt lời một phần danh mục đã mua trước đó. Tuy nhiên, việc mua thêm vào thời điểm hiện tại cần thận trọng và chọn lọc kỹ lưỡng.

Vẫn tỏ ra lạc quan vào thị trường, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng dù xâm phạm khá sâu vùng hỗ trợ 1.450-1.425 điểm trong cuối tuần qua, tuy nhiên chỉ số VN-Index đóng cửa vẫn nằm ở cận trên của vùng hỗ trợ này. Theo đó, một khi chỉ số VN-Index vẫn chưa xâm phạm mức cận dưới 1.425 điểm, xu hướng tăng hướng lên mốc 1.500 điểm vẫn được duy trì.

Trong khi đó, với quan điểm đầu tư của mình, Công ty Chứng khoán BVSC cho rằng nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã tăng nóng nhiều phiên liên tiếp, khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực chốt lời trong tuần tới.

Tuy nhiên, đà giảm của thị trường sẽ không quá sâu khi các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng có thể sẽ tiếp tục có diễn biến tích cực để hỗ trợ thị trường.

BVSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể xem xét giao dịch khi thị trường kiểm định vùng hỗ trợ 1.430-1.435 điểm. Tập trung vào các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều hoặc đang tạo nền tích lũy trong thời gian vừa qua.

Về phân tích kỹ thuật cho tuần tới, Công ty Chứng khoán VCSC đưa ra quan điểm tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của chỉ số VN-Index chuyển xuống mức Trung tính với hỗ trợ MA20 tại 1450 điểm trong khi tín hiệu của VN30 duy trì Tiêu cực. Các chỉ số VNMidcap, VNSmallcap, HNX-Index tạm duy trì tín hiệu Tích cực nhưng bắt đầu cho thấy dấu hiệu suy yếu.

Dự báo trong phiên giao dịch đầu tuần tới, lực cầu tại ngưỡng hỗ trợ của VN-Index tại 1.450 điểm có thể thúc đẩy những nỗ lực tăng điểm của thị trường trong phiên sáng. Theo đó VN-Index có thể hồi phục để kiểm định kháng cự tại 1465 điểm. Tuy nhiên, nếu lực mua không đủ mạnh để giúp chỉ số sàn HOSE vượt qua kháng cự này, áp lực bán có thể sẽ gia tăng trở lại trong phiên chiều và các phiên sau đó. Ở kịch bản này, VN-Index có thể sẽ giảm để kiểm định lại vùng hỗ trợ tại 1.438-1450 điểm. Nếu tiếp tục phá vỡ ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn này, đà giảm của VN-Index có thể kéo dài về hỗ trợ tiếp theo tại vùng 1.400 điểm.

Hiền Anh

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Áp lực bán thực sự mạnh, tính gì cho tuần tiếp theo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO