Số phận một con người, hay một đội bóng cũng vậy, thay đổi trong chớp mắt. Từ khốn cùng thành hiển hách và ngược lại…
Vung tiền mua ngôi sao
Makhachkala là thành phố lớn nhất của CH Dagestan thuộc Nga. Bóng đá ở đây cũng ‘hẻo lánh’ như địa lý. Nhưng năm 2011 bỗng nhiên “đứng dậy sáng lòa” khi tỷ phú công nghiệp Suleyman Kerimov mua lại CLB Anzhi Makhachkala, đổ hàng đống tiền để xưng bá. Trong chớp mắt, với khối tài sản gần 10 tỷ euro của ông, CLB làng nhàng này trở thành một trong những đội bóng giàu nhất thế giới.
Kerimov cho cải tạo sân Anzhi Arena từ 28.000 lên gần 40.000 chỗ và lệnh trong 3 mùa giải phải tham dự cúp châu Âu. Ngân sách mùa giải là 180 triệu euro để chiêu mộ cầu thủ. Không một CLB nào ở châu Âu khi đó điều này, dù là hùng mạnh và giàu có như Real, Bayern, Barca hay MU.
Đỉnh cao của việc mua sắm là Anzhi đã bỏ ra 28 triệu euro mang về Samuel Eto’o, vừa vô địch Champions League cùng Inter Milan và biến tiền đạo 30 tuổi này thành cầu thủ được trả lương cao nhất thế giới với 30 triệu euro cho hợp đồng 3 năm.
Tiếp theo, Kerimov mang về Roberto Carlos khi đó đã 37 tuổi, vừa bị Corinthians thanh lý hợp đồng, phong độ đã xuống tận đáy vì tuổi tác. Hợp đồng là 2 năm với mức lương 10 triệu euro. Sợ Carlos buồn ở một nơi hẻo lánh như Dagestan, vào sinh nhật thứ 38, đích thân ông chủ giàu tặng luôn cho hậu vệ này một chiếc Bugatti Veyron trị giá đến 1,2 triệu bảng.
Cử chỉ này gây sốc đến nỗi sau này người đại diện của tiền vệ Yaya Toure đã dùng nó để “chửi xéo” ông chủ Man City keo kiệt chỉ tặng thân chủ mình mỗi chiếc bánh sinh nhật ở tuổi 31, khiến Toure giận dỗi đòi ra đi.
Anzhi tiếp tục mang về đội trưởng tuyển Nga Yuro Zhirkov (Chelsea) và Chris Samba (Blackburn Rover). Sự lớn mạnh về tài chính ở Anzhi ngay lập tức gây sóng gió khắp bóng đá châu Âu. Mọi thứ tiến triển đáng kể vào mùa hè đầu tiên của kỷ nguyên Kerimov là vị trí thứ 5.
Cảm thấy HLV nội địa không đủ cho tham vọng, Kerimov mang về ông thầy tầm cỡ thế giới là Guus Hiddink. Từ Ukraine, tiền vệ Willian cũng đến, và Lassana Diarra từ Real đầu quân. Người hâm mộ Anzhi có rất nhiều lý do để hy vọng khi những siêu sao hàng đầu thế giới tụ về vùng hẻo lánh này.
Tuy nhiên, vấn đề lớn mà các ngôi sao của Anzhi phải đối mặt là Dagestan, nơi họ đóng quân, là một khu vực bất ổn của Nga với các cuộc đụng độ giữa lực lượng quân đội và phiến quân diễn ra thường xuyên đe dọa những trận đấu trên sân nhà. Kerimov chơi ngông bằng cách “bứng” cả đội về sống và tập luyện ở…Moscow.
Tiền đạo Eto’o từng kể: "Chúng tôi chỉ đến Makhachkala vào ngày diễn ra trận đấu hoặc trước một ngày, rồi trở lại Moscow. Thực tình tôi vẫn chưa biết tên một con phố nào ở đây”.
Bất chấp những cách trở xa xôi và mệt mỏi, Anzhi dưới tài cầm quân của Guus Hiddink từ 2012-2013 đã giành vị trí thứ 3 ở giải VĐQG Nga và thậm chí vào đến vòng 1/16 Europa League trước khi thua Newcastle. Những khoản đầu tư như thể đã có thành quả, nhưng đến Kerimov cũng không hề biết đó là những tia nắng ngắn ngủi cuối ngày.
Bóng đêm tài chính và cuộc tháo chạy hàng loạt
Mùa Hè năm 2013, Kerimov điêu đứng khi công ty sản xuất phân bón Kali của mình trị giá 5,5 tỷ euro bị phá sản, tài sản ròng của ông mất 325 triệu euro. Tiền ít đi đương nhiên hầu bao cho bóng đá phải thắt chặt, chỉ còn hơn 50 triệu euro/mùa. Đó là con số vẫn quá lý tưởng với một đội bóng ở Nga, nhưng là quá nhỏ để trang trải cho mức lương của các siêu sao, cùng hàng loạt các chi phí của một gã công tử đã quen nhung lụa.
Thêm nữa, Luật Công bằng Tài chính của UEFA buộc Kerimov phải cắt giảm ngân sách của Anzhi và bán đi những ngôi sao. Guus Hiddink từ chức vào tháng 7/2013, trợ lý nổi tiếng tại MU là Rene Meulensteen được mời về nhưng cũng chỉ ngồi đúng…16 ngày. Carlos chỉ đủ sức thi đấu đúng 1 mùa rồi giải nghệ theo yêu cầu của Kerimov để chuyển sang làm GĐTT phụ trách học viện đào tạo trẻ.
Các tuyển thủ Nga Yuri Zhirkov, Igor Denisov và Aleksandr Kokorin bị bán đến Dynamo Moscow vào tháng 8/2013. Thậm chí Denisov chỉ mới đến vào tháng 6 còn Kokorin thậm chí chỉ mới đến 2 tuần. Samuel Eto'o và Willian bị bán cho Chelsea ở Premier League vì Kerimov cần thu lại tiền để đảm bảo tài chính. Mùa giải 2013/2014, toàn bộ đội hình chính tan rã và CLB đứng đội sổ, rớt hạng trong đau đớn với chỉ 3 trận thắng.
Dù lại lên hạng sau một mùa bị rớt và trụ tiếp trong 3 mùa nữa nhưng lúc này Kerimov hiểu rằng bóng banh chỉ là một cuộc chơi đốt tiền, không quan trọng bằng sự nghiệp kinh doanh. Ông chán nản bán luôn CLB cho một tỷ phú khác là Osman Kadiev năm 2016.
Nhưng ông này cũng chẳng mấy mặn mà đầu tư và Anzhi xuống hạng một lần nữa vào mùa giải 2019/2020, rồi trượt dài đến tận hạng 3 như hiện nay. CLB không được LĐBĐ Nga cấp phép cho mùa giải mới vì không đảm bảo tài chính. Đồng nghĩa với việc…giải tán.
Trong thông báo mới nhất, Anzhi cho biết: “CLB không nhận được cấp phép đồng nghĩa mất đi tư cách hoạt động. Toàn bộ CLB đã nỗ lực để có thể đạt được kết quả lạc quan. Song, mọi thứ đã không thành sự thật. Nhưng chúng tôi tin rằng đây chưa phải là dấu chấm hết. Một ngày nào đó, Anzhi sẽ trở lại, lại tỏa sáng và thậm chí còn rực rỡ hơn”. Con chim trước khi chết luôn hót rất hay.
Vào thời điểm Anzhi chơi trận chuyện nghiệp cuối cùng ở giải hạng 3, là lúc CLB hàng xóm Dynamo Makhachkala vẫn luôn bị CĐV của họ giễu cợt nghèo khó, đã giành quyền thăng hạng 2 của Nga lần đầu tiên trong lịch sử. Không có gì mỉa mai hơn.
Trỗi dậy và sụp đổ
Chỉ mới thành lập năm 1991 và mãi đến 2010 Anzhi Makhachkala mới lần đầu ra mắt giải Ngoại hạng Nga. Đó là một sự trỗi dậy khiêm tốn không nổi bật về bóng đá để khoe khoang, nhưng là sự phấn khích với con dân Dagestan.
Kerimov khi mua lại CLB là người giàu thứ 36 thế giới, thường ngồi cách xa Moscow 1000 dặm để điều hành mọi hoạt động kinh doanh của mình. Cũng như nhiều tỷ phú Nga khác, ông chẳng biết mấy về bóng đá nhưng lại hào phóng đổ tiền vào vùng hẻo lánh như Makhachkala, dưới sự hậu thuẫn tuyệt đối của người đứng đầu vùng đất này khi đó là Magomedsalam Magamedov.
Và cũng như rất nhiều tỷ phú Nga khác, ông bị cho là nằm trong nhóm “kinh tài” của Tổng thống Putin, dùng bóng đá để phục vụ mục tiêu nào đó. Sân cỏ khác xa kinh doanh và thành công không cứ là đổ tiền ào ạt thì danh hiệu sẽ về.
Alisher Aminov, cựu thành viên của Liên đoàn bóng đá Nga, cho biết: “Chi ra 350 triệu euro trong vài năm tiếp quản, tất cả những gì Kerimov làm được là làm giàu cho một loạt những kẻ đầu cơ và trục lợi bóng đá, những tay cò cầu thủ tham lam và láu cá”.
Không một CLB bóng đá nào “lên voi xuống chó” nhanh như Anzhi. Liệu những khoản lương khổng lồ cho Eto’o, chiếc Bugatti Veyron cho Roberto Carlos hay 24 triệu euro để mua một cầu thủ làng nhàng như Chris Samba, có là nguyên nhân cho sự sụp đổ ?