Ảnh hưởng khôn lường của cuộc khủng hoảng ở Hạ viện Mỹ

06/10/2023 06:25

Hai ngày sau cuộc bỏ phiếu phế truất Chủ tịch Hạ viện Mỹ đầu tiên trong lịch sử, khiến cơ quan lập pháp này rơi vào bế tắc, vẫn chưa có giải pháp rõ ràng nào để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Hạ viện Mỹ đã bước vào thời gian nghỉ ít nhất đến tuần sau, trong bối cảnh một số ít nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa (GOP) đang công khai hoặc kín đáo bày tỏ mong muốn nắm giữ vị trí lãnh đạo cơ quan này.

Tuy nhiên, theo BBC, hậu quả từ cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, do những nghị sĩ GOP theo đường lối cứng rắn thúc đẩy, đang trở nên rõ ràng hơn cả ở trong nước và quốc tế.

khung hoang quoc hoi my.jpg

Nguy cơ chính phủ Mỹ đóng cửa gia tăng

Theo các nhà phân tích, nguyên nhân trực tiếp nhất dẫn đến việc ông McCarthy mất chức là quyết định của ông chỉ vài ngày trước đó, cho phép tiến hành bỏ phiếu thông qua một biện pháp tài trợ chi tiêu ngắn hạn đến ngày 17/11, giúp chính phủ liên bang tránh phải đóng cửa tạm thời từ ngày 1/10.

Cuộc khủng hoảng ở Hạ viện tiếp sau đó đang trì hoãn quá trình xem xét cuối cùng về cách thức và mức ngân sách dành cho chính phủ liên bang trong năm tài khóa tiếp theo.

Vì những gì đã diễn ra với ông McCarthy, người kế nhiệm ông làm Chủ tịch Hạ viện có thể phải ưu tiên nhượng bộ cánh cực hữu trong đảng GOP nhiều hơn là phe Dân chủ trong Hạ viện và Thượng viện cũng như Tổng thống Joe Biden trong Nhà Trắng.

Chủ tịch Hạ viện trong tương lai có thể rất khó đạt được sự đồng thuận của các nhà lập pháp GOP liên quan đến chi tiêu liên bang, khi Hạ nghị sĩ Matt Gaetz, người dẫn đầu nỗ lực phế truất ông McCarthy, và các đồng minh đã kêu gọi cắt giảm mạnh ngân sách cho chính phủ. Trong khi, các nghị sĩ GOP theo đường lối ôn hòa hơn và phe diều hâu trong đảng đang tìm cách tài trợ cho các ưu tiên lập pháp của họ.

cdnphoto.dantri.com.vn-ucetevsk9misnushjen0ifqhy_a-2023-10-04-_some-republicans-want-to-remove-house-speaker-kevin-mccarthy-r-calif-from-his-position-washington-post-1696397310279.png
Chủ tịch Hạ viện KevinMcCarthy bị bãi nhiệm sau cuộc bỏ phiếu chưa từng có trong lịch sử Mỹ vào hôm 3/10

Thượng viện Mỹ nằm dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ dự kiến sẽ phê duyệt gói phân bổ chi tiêu công cho chính phủ liên bang của riêng họ, đồng thời ít có khả năng thông qua dự luật ngân sách do Hạ viện hậu thuẫn.

Khi các bên không thể nhượng bộ nhau để đi đến thỏa thuận, nguy cơ chính phủ phải đóng cửa một phần hoặc toàn bộ vì hết tiền hoạt động ngày càng tăng. Nước Mỹ đã chứng kiến chính phủ liên bang phải tạm đóng cửa tới 21 lần dưới thời 7 tổng thống khác nhau trong 50 qua, nên người dân có thể không còn xa lạ với các ảnh hưởng của nó.

Các nhân viên và nhà thầu của các cơ quan liên bang sẽ gánh chịu phần lớn tác động, khi việc chi trả lương cho họ bị trì hoãn hoặc thậm chí ngừng hoàn toàn trong một số trường hợp. Các chương trình của chính phủ dành cho người nghèo có thể bị cắt giảm, trong khi các văn phòng và dịch vụ công khác phải tạm dừng hoạt động.

Viễn cảnh tồi tệ đó sẽ dẫn đến các hậu quả kinh tế không thể tránh khỏi, tiềm ẩn nguy cơ đẩy nước Mỹ vào tình trạng lạm phát. Thị trường đã trải qua một ngày hỗn loạn trong ngày diễn ra cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm ông McCarthy. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, khiến các nhà đầu tư lo ngại lãi suất vay cao hơn thậm chí có thể làm tăng khả năng xảy ra suy thoái.

Ngoài ra, sự bất ổn trong Quốc hội Mỹ có thể tiếp tục làm xói mòn niềm tin của công chúng đối với các định chế cầm quyền, trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận cho thấy mức độ tín nhiệm sụt giảm xuống mức thấp nhất mọi thời kỳ.

Trong khi phe Dân chủ đang theo dõi các diễn biến kịch tính trong cuộc đấu đá nội bộ của đảng GOP ở Hạ viện Mỹ với sự ngỡ ngàng xen lẫn thích thú ban đầu, hậu quả cuối cùng từ cuộc khủng hoảng này rất khó để dự đoán. Khi chỉ còn 1 năm nữa sẽ diễn ra các cuộc bầu cử tổng thống và Quốc hội Mỹ, sự thất vọng và phẫn nộ của các cử tri có thể là tin xấu đối với mọi thành phần chính trị ở xứ sở cờ hoa.

Viện trợ cho Ukraine bị đe dọa

Giới quan sát nhận định, là nước luôn đi đầu và đóng góp rất lớn cho vô số hoạt động quốc tế, nên khủng hoảng ở Mỹ nhiều khả năng sẽ tác động tiêu cực tới cả những nơi khác trên thế giới, không chỉ về khía cạnh kinh tế.

Theo New York Times, suốt những tuần qua, chính quyền Biden đã cảnh báo, khoản tiền do Quốc hội Mỹ phân bổ cho các hoạt động viện trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga đang gần cạn kiệt. Từ đầu tháng 10, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng khuyến cáo về "sự gián đoạn quy mô lớn, ngày càng nghiêm trọng" nếu các nhà lập pháp nước này không phê duyệt thêm hàng chục tỷ USD dành cho Kiev trong những tháng còn lại trong năm nay.

Trước áp lực từ các nhà lập pháp cánh hữu trong Hạ viện cùng với việc cách chức ông McCarthy hôm 3/10, các khoản viện trợ bổ sung cho quốc gia Đông Âu rốt cuộc đã không được thông qua.

Hạ viện Mỹ sẽ phải “án binh bất động” cho đến khi bầu chọn được tân chủ tịch. Thời gian sớm nhất cho việc này có thể là giữa tuần sau. Hơn nữa, bất kỳ ai đảm đương chức vụ này ít nhất cũng chịu áp lực tương tự và đối mặt với cùng thế tiến thoái lưỡng nan như ông McCarthy.

Tổng thống Biden đã cam kết tiếp tục hậu thuẫn Ukraine bất chấp thách thức về ngân sách. Chính quyền của ông đang ra sức tìm cách khác để trợ giúp cho Kiev, ví dụ như chuyển giao vũ khí thu giữ được từ Iran.

republican-of-california-antagonized-hard-liners-in-his-own-party-as-well-as-democrats-and-the-white-house-nyt-1696397485365.jpg
Ông Kevin McCarthy đã làm phật lòng những người theo đường lối cứng rắn trong chính đảng Cộng hòa của ông, và cả các đảng viên Dân chủ cùng Nhà Trắng.

Lãnh đạo Nhà Trắng cũng tin, sự ủng hộ của đông đảo các nghị sĩ lưỡng đảng tại Quốc hội sẽ giúp Mỹ duy trì viện trợ cho Ukraine. Song, con đường để có một dự luật nằm trên bàn tổng thống chờ ký duyệt, đang trở nên khó khăn hơn trước.

Nhìn chung, khi Hạ viện Mỹ chưa bầu chọn được chủ tịch, các nghị sĩ mới đắc cử chưa thể tuyên thệ nhậm chức và hoạt động của các ủy ban trực thuộc cơ quan lập pháp này có thể bị vô hiệu hóa. Việc xem xét phê chuẩn các dự luật và nghị quyết về nhiều vấn đề chính sách và lập pháp, kể cả liên quan đến hoạt động đối ngoại cũng bị đình trệ. Đó chắc chắn không phải là điều mong muốn đối với những quốc gia và vùng lãnh thổ đang hưởng lợi từ sự hợp tác và trợ giúp của Washington.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/anh-huong-khon-luong-cua-cuoc-khung-hoang-o-ha-vien-my-2198466.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/anh-huong-khon-luong-cua-cuoc-khung-hoang-o-ha-vien-my-2198466.html
    Bài liên quan
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Ảnh hưởng khôn lường của cuộc khủng hoảng ở Hạ viện Mỹ
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO