Video: Cận cảnh hiện trạng xuống cấp của cầu Long Biên
Cầu Long Biên (Hà Nội) được xây dựng từ năm 1899, đến năm 1902 hoàn thành, đưa vào khai thác. Trải qua 121 năm khai thác, sử dụng, bị chiến tranh phá hoại, nhiều lần cầu được khôi phục, gia cố và sửa chữa. Đến nay, cầu không còn kết cấu như ban đầu.
Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, các trụ cầu Long Biên hiện đã yếu, nếu các phương tiện thủy va phải thì nguy cơ mất an toàn đường sắt, đường bộ rất cao.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang thực hiện kiểm định tổng thể cầu trước khi đề xuất giải pháp lâu dài, trong đó lập dự án sửa chữa đồng bộ.
Theo anh Long, một người dân thường xuyên di chuyển qua cầu, những âm thanh của tấm kim loại va vào mặt cầu bê tông đã quá quen thuộc. “Đã đến lúc cây cầu cần được sửa chữa, được giảm tải để có thể tiếp tục là chứng nhân lịch sử, gìn giữ những nét đẹp văn hóa trăm năm cho mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến”, anh Long cho hay.
Khi di chuyển qua cầu, người dân có thể dễ dàng nhận thấy nhiều vị trí trên bề mặt cầu xuất hiện các lỗ hổng to, vết nứt dài "xuyên thấu" xuống lòng sông Hồng. Nhiều trụ gỗ đỡ đường ray đã mục, ốc vít chỗ có chỗ không.
Một bờ kè lan can phía đầu cầu Long Biên đã xuống cấp.
Hai bên cầu, các khung thép và cấu trúc của cây cầu đã được sơn sửa lại, song vẫn còn nhiều đoạn bị hư hỏng chưa được thay thế.
Những thanh sắt đã hoen rỉ, thành bê tông bong tróc, lộ ra lõi thép bên trong.
Mặt đường trên cầu Long Biên gồm các tấm bê tông xi măng bắc trên dầm thép, lớp trên cùng được thảm nhựa. Tuy nhiên, lớp nhựa này thường xuyên bị nứt dọc theo các tấm đan, khiến mặt đường không bằng phẳng tạo ra những gờ cao, tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Dù được tu sửa nhiều lần nhưng với tuổi đời đã lớn, cầu Long Biên vẫn không tránh được sự xuống cấp theo thời gian. Cây cầu phải chịu áp lực rất lớn khi người tham gia giao thông rất đông vào giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, cầu Long Biên chịu áp lực từ tàu hoả mỗi lần đi qua khiến bề mặt đường, lan can rung. Thường đi làm qua cầu Long Biên, anh Lê Văn Nam (Long Biên, Hà Nội) cho biết: "Do công việc tôi thường xuyên phải di chuyển qua cầu Long Biên. Tôi rất sợ đi vào thời điểm tàu chạy qua, gần như là tránh vì mỗi lần tàu chạy qua mặt đường, lan can va đập vào nhau tạo thành tiếng rung".
Một người dân đi qua cầu Long Biên.
Được biết, đối với việc sửa chữa, trùng tu cầu Long Biên một cách tổng thể, toàn diện, phải cần nguồn kinh phí rất lớn. Trước đó, việc sơn lại toàn bộ cầu Long Biên cũng cần tới 70 tỷ đồng. Hiện nay, việc duy tu, bảo trì cầu Long Biên vẫn đang sử dụng nguồn tiền kinh tế sự nghiệp đường sắt với kinh phí nhỏ giọt.