Tối muộn, rẽ vào vệ đường hút điếu thuốc thì có ông em lừng lững đi vào...
Thấy cái bóng to vật, tôi dè chừng sẽ có đứa kề dao cướp tiệm vàng, như kịch bản.
Nhưng tôi không sợ.
Y như rằng, em ấy thẽ thọt: "Anh ơi, em chạy xe ôm công nghệ, hết tiền đổ xăng, anh cho em mượn một ít tiền đổ xăng được không ạ? Anh cho em xin số tài khoản của anh, sáng mai em gửi trả...".
Tôi lấy làm mừng, vì lúc ấy vừa sợ vừa run. Thấy bộ đồng phục xanh lét, không thấy "mùi binh đao", tôi phần nào đã vững dạ.
Thế nên, tôi bảo: "Chú chạy theo anh, anh đổ xăng cho. Xe anh cũng hết xăng, cần đổ".
Thằng bé đi theo, vì rõ ràng cây xăng cách chỗ tôi dừng lại chừng 300m.
Tôi, đương nhiên, nói là làm. Túi còn 200.000 đồng, tôi dừng xe đúng cái ống bơm xăng, bảo: "Bơm xe anh đầy, xe sau cũng đầy!".
Tôi không nhìn cậu em kia, cũng chả nhìn mặt. Nhưng, từ lúc cậu ta nói, xong tôi nói, cậu ta vẫn răm rắp theo.
Tôi đứng trước, bơm xăng trước rồi bình tĩnh dắt xe ra khỏi cây bơm, đóng nắp bình, chẳng vội vã.
Cậu ta bơm xong, cũng ngay và luôn dắt xe theo sát. Tôi quay lại trả tiền. Hai xe nối bơm, 170.000 đồng, vẫn còn dư 30.000 đồng.
Thấy đã xong xuôi, cậu em kia bảo: "Anh cho em xin số điện thoại, mai em chuyển khoản gửi anh tiền".
Tôi tin, mà dù cậu ta không nói gì, tôi vẫn tin. Nhìn biển số xe, thấy mã vùng 18. Tôi hỏi câu thứ 2, từ lúc cậu ta ngỏ lời: "Em ở đâu Nam Định?".
Cậu ta thoáng chút giật mình: "Em ở Trực Ninh, xã Trực Phú". Tôi vỗ vai, bảo: "Anh rể cầu Vòi, thịt chó. Anh bơm cho em bình xăng này, mai mốt em bơm cho người khác một bình tương tự".
Xong, tôi chạy trước cậu em.
Tôi biết, chẳng ai muốn mở mồm đi nhờ vả cả, nhất là những người thành thật, và có lòng tự trọng!
Viết xong mấy dòng này, tôi mới nhớ, có một bận xe bị hỏng, đang dắt bộ thì có một thanh niên, hình như ở khu đô thị Định Công, gần Bệnh viện Bưu điện, tiến đến đẩy xe cho tôi đến tận chỗ sửa xe.
Tôi bảo, cho gửi tiền, cậu bảo: "Em không lấy, nhưng em gửi anh, mai này có ai như vậy, anh đẩy lại cho người ấy!".
Dạy nhau rất khó, vì ai cũng muốn làm thầy. Nhưng, một câu nói mà mình thấy bỗng muốn trở thành học trò, thì không phải ai cũng nói được!
Cuộc đời, là vậy!