Thủ tướng Johnson vừa kết thúc chuyến thăm hai ngày tới Ấn Độ và hội đàm cùng người đồng cấp nước chủ nhà Modi. (Nguồn: BBC) |
Ngày 22/4, phát biểu trong cuộc họp báo sau hội đàm với người đồng cấp Anh Boris Johnson, Thủ tướng Modi cho biết: "Chúng tôi hoan nghênh việc Anh ủng hộ ‘Atmanirbhar Bharat’ (Ấn Độ tự chủ) trong tất cả lĩnh vực như sản xuất, công nghệ, thiết kế và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng".
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng ra tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác trong lĩnh vực an ninh không giang mạng.
Tuyên bố nêu rõ: "Tầm nhìn 2030 của chúng tôi bao gồm kết nối năng động và tương tác giữa người dân hai nước, tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng để mang lại một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương an toàn hơn".
Về phần mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo, nước này và Ấn Độ đã nhất trí về mối quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh "mới và mở rộng" .
Phát biểu tại họp báo chung, nhà lãnh đạo Anh nói: “Mối đe dọa ép buộc độc đoán thậm chí còn gia tăng hơn nữa, do đó, điều quan trọng là chúng ta phải tăng cường hợp tác, bao gồm cả lợi ích chung trong việc duy trì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và tự do".
Theo ông, mối quan hệ đối tác mới này là "một cam kết kéo dài nhiều thập kỷ".
Liên quan vấn đề Ukraine trong cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng, Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla cho biết, Thủ tướng Johnson không gây sức ép đối với người đồng cấp Ấn Độ liên quan lập trường của New Delhi về chiến dịch quân sự của Nga.
Nhà ngoại giao Ấn Độ nêu rõ: "Họ đã thảo luận về vấn đề Ukraine, nhưng không có áp lực nào. Thủ tướng Johnson chia sẻ quan điểm về Ukraine, còn Thủ tướng Modi cho rằng cuộc chiến giữa Nga-Ukraine nên kết thúc ngay lập tức. Không có bất kỳ áp lực nào".
Cho đến nay, New Delhi không lên án một cách rõ ràng cuộc xâm lược Ukraine của Nga - nhà cung cấp khí tài quân sự lớn nhất của Ấn Độ.