Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: Getty Images) |
Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đi những bước cuối cùng trong sự nghiệp chính trị lừng lẫy của mình, sau 16 năm tại nhiệm. Bà là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận vị trí quan trọng này.
Hầu như không ai bên ngoài nước Đức biết Angela Merkel là ai khi bà lần đầu tiên thắng cử và trở thành Thủ tướng vào năm 2005. Và ít ai có thể tưởng tượng được bà Merkel sẽ để lại những tác động mạnh mẽ đến chính trị thế giới như bà đã làm.
Chính trị gia của khoa học
Bà Angela Dorothea Merkel sinh ngày 17/7/1954 tại Hamburg. Cha bà, ông Horst Kasner, là một mục sư, còn mẹ Gerlinda Kasner là giáo viên. Ông Kasner sau đó trở thành mục sư ở Quitzow, Brandenburg và đưa gia đình chuyển đến Đông Đức, chỉ vài tuần sau khi bà ra đời.
Giống như nhiều trẻ em ở Đông Đức thời bấy giờ, cô bé Angela khi đó tham gia nhiều hoạt động xã hội. Năm 1973, Angela Kasner đến Leipzig để nhập học tại Đại học Karl Marx (nay là Đại học Leipzig) theo chuyên ngành vật lý. Tại đây, bà gặp người chồng đầu tiên, ông Ulrich Merkel. Hai người kết hôn vào năm 1977.
Sau khi lấy bằng tốt nghiệp năm 1978, bà Merkel làm việc tại Viện Hóa Lý Trung ương thuộc Viện hàn lâm Khoa học CHDC Đức, tham gia nghiên cứu hóa lý thuyết và phân tích. Năm 1982, bà Merkel ly hôn chồng, nhưng vẫn giữ họ của ông. Năm 1986, bà đạt học vị tiến sỹ vật lý với luận án về hóa học lượng tử.
Khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, bà Merkel từ bỏ công việc nghiên cứu khoa học để dấn thân vào con đường chính trị. Khi đó, bà gia nhập Đảng Đột phá Dân chủ mới được thành lập - một lực lượng chính trị đối lập ban đầu hướng đến các nguyên tắc xã hội dân chủ, nhưng sau đó chuyển hướng sang các lý tưởng cánh hữu.
Tháng 2/1990, bà Merkel trở thành phát ngôn viên của đảng này. Cùng lúc đó, đảng Đột phá Dân chủ tham gia liên minh các đảng cánh hữu có tên Liên minh vì nước Đức, cùng với đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU). Trong cuộc bầu cử tháng 3/1990 của chính phủ Đông Đức, liên minh này đã giành chiến thắng và bà Merkel được bổ nhiệm làm phó phát ngôn của chính phủ. Sau đó, bà chính thức gia nhập đảng CDU vào tháng 8/1990.
Sau khi tái hợp, Đức tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên vào tháng 12/1990 và bà Merkel giành được một ghế trong Bundestag (Hạ viện). Sau đó, bà được Thủ tướng Helmut Kohl bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên vào tháng 1/1991. Khi ông Lothar de Maizière dính bê bối tình báo và buộc phải từ chức, bà Merkel được đề cử làm Phó Chủ tịch đảng CDU. Sau cuộc bầu cử năm 1994, bà Merkel được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bảo vệ môi trường và An toàn hạt nhân.
Bà Angela Merkel được đánh giá là một người chính trực, một kiểu nhà lãnh đạo mới, luôn toát lên sự đồng cảm, quyết đoán và đáng tin cậy. Khi Helmut Kohl - người thầy chính trị của bà - vướng vào một vụ bê bối tham nhũng năm 1999, bà đã công khai lên án và kêu gọi từ nhiệm dù đã được ông bảo trợ một thời gian dài.
Tháng 4/2000, bà Merkel được bầu làm người đứng đầu đảng CDU, trở thành người phụ nữ đầu tiên và người không theo Công giáo đầu tiên lãnh đạo đảng này. Trong khoảng thời gian đó, bà phải đối mặt với không ít thách thức từ vụ bê bối của ông Kohl, cũng như hàn gắn lại một tập thể đang bị chia rẽ nặng nề.
Tháng 5/2005, bà Merkel trở thành đối thủ của Thủ tướng Gerhard Schroder trong cuộc tổng tuyển cử. Tài lãnh đạo hiệu quả đã giúp bà khẳng định vị trí và giành được sự ủng hộ của người dân. Bà nhậm chức Thủ tướng Đức ngày 22/11/2005.
Có thể nói, tư duy khoa học có lẽ vẫn là một phần mang đậm “bản sắc Merkel”, điều ảnh hưởng tới quá trình đưa ra các quyết định và phong cách chính trị của nhà lãnh đạo Đức. Bà luôn xem kỹ lưỡng từng thông tin mới và cẩn thận tham vấn chuyên gia.
Với sự thông minh, khả năng lãnh đạo tài ba, bà Merkel nhận được sự tin tưởng của người dân Đức suốt bốn nhiệm kỳ qua, giúp chèo lái nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung vượt qua hàng loạt các cuộc khủng hoảng. Mỗi lần đối mặt với những khó khăn mới, bà Merkel lại đem đến bất ngờ cho thế giới và dần dần tạo được danh tiếng là nhà lãnh đạo với năng lực nổi bật cả trong lẫn ngoài nước.
Bà là phụ nữ Đông Đức duy nhất không những trưởng thành trong hệ thống chính trị mới sau thống nhất năm 1990, mà còn trở thành một chính khách thành công nhất ở Đức từ trước đến nay. Bà là lãnh đạo không có đối thủ ở đất nước có môi trường chính trị khắc nghiệt nhất châu Âu hiện tại.
Theo bình chọn của tạp chí Forbes năm 2006, Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng đầu danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới và giữ vị trí này trong 13 năm tiếp sau đó. Năm 2015, bà được tạp chí Time bầu chọn là nhân vật của năm nhờ khả năng lãnh đạo xuất sắc trong cuộc khủng hoảng nợ công, vấn đề người nhập cư châu Âu cũng như cuộc khủng hoảng tại Ukraine. |
Di sản đối ngoại
Từ những ngày đầu, bà gần như tự mình định hình lại chính sách đối ngoại của Đức, thay vì giao việc đó cho bộ trưởng ngoại giao. Là người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G8, được tổ chức tại khu nghỉ mát Heiligendamm bên bờ biển Baltic vào năm 2007, bà tự tin giao thiệp với các nguyên thủ quốc gia hàng đầu thế giới, dù là người phụ nữ duy nhất tại đó.
Tuy nhiên, Thủ tướng đã sớm phải đối mặt với thách thức đầu tiên: khủng hoảng tài chính năm 2008. Khi đó, đồng Euro, một trong những biểu tượng mạnh nhất của sự thống nhất châu Âu, suy yếu rõ rệt.
Dưới sự dẫn dắt của bà Merkel, quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất Liên minh châu Âu (EU) đã phải miễn cưỡng đảm nhận vai trò lãnh đạo.
Một mặt, chính phủ Đức buộc phải thi hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng và cải cách cứng rắn đối với các quốc gia mắc nợ lớn như Hy Lạp.
Mặt khác, bà đã giúp thông qua hàng loạt các gói cứu trợ lớn của châu Âu. Thế nhưng, sự miễn cưỡng đó đã đem lại quả ngọt.
Kể từ đó, EU cũng đã chấp nhận vai trò lãnh đạo mới của Đức ở khối, một phần nhờ vào cách cư xử tinh tế của bà Merkel. Theo nhà khoa học chính trị Johannes Varwick từ Đại học Halle, Thủ tướng Đức kết hợp nhuần nhuyễn “văn hóa kiềm chế” với “văn hóa trách nhiệm”.
Bên cạnh đó, bà Merkel thực sự trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới nhờ chính sách mở rộng cửa cho hàng trăm nghìn người tị nạn và di cư vào biên giới nước Đức vào tháng 8/2015.
Dù chính sách này vấp phải nhiều tranh cãi nhưng Thủ tướng Đức bộc bạch rằng, bà làm vậy xuất phát từ tình thương người của đạo Cơ đốc, cũng như những trải nghiệm khi còn là một công dân ở Đông Đức. Bà hy vọng rằng, Đức sẽ trở thành nơi mọi người trên thế giới tìm đến với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đối với quan hệ song phương, Thủ tướng Merkel luôn coi trọng các đồng minh thân thiết ở châu Âu. Vai trò ngày càng tăng của Đức ở EU tạo ra sự mất cân bằng quyền lực với Pháp. Do vậy, bà đã luôn có những cam kết rõ ràng với đối tác thân cận nhất này.
Bà Merkel ban đầu là một người ủng hộ nhiệt thành cho mối quan hệ Mỹ - Đức tốt đẹp. Nhưng khi Mỹ ngày càng xoay trục về châu Á, mối quan hệ từng rất chặt chẽ này đã bị nới lỏng phần nào.
Đức cũng coi trọng quan hệ với châu Á. Theo ông Henning Hoff thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, bà Merkel rất ngưỡng mộ về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và đẩy mạnh thương mại với quốc gia này, giúp kinh tế Đức tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Đây cũng là sự tiếp nối của chính sách đối ngoại đã được xây dựng từ trước của Berlin: khách quan, có qua có lại, luôn hướng tới lợi ích kinh tế trên toàn cầu của Đức.
Thủ tướng Đức Angela Merkel không có những bài diễn văn hùng hồn, nhưng trong khi đất nước gặp khủng hoảng, bà luôn biết cách sử dụng mọi nguồn lực sẵn có để đưa nước Đức vững bước tiến lên.
Sau 16 năm, thật khó để tin rằng bà Merkel sẽ không tiếp tục chèo lái nước Đức nữa. Nhưng những di sản mà bà để lại là bài học quý giá cho thế hệ lãnh đạo sau này.
Giống như những gì bà từng nói khi nhận bằng Tiến sỹ danh dự của Đại học Harvard năm 2019: “Hơn lúc nào hết, cách tư duy và hành động của chúng ta cần phải đa phương hơn là đơn phương, toàn cầu hơn là quốc gia, hướng ra bên ngoài hơn là theo chủ nghĩa cô lập. Nói ngắn gọn lại thì chúng ta cần phải hợp tác với nhau thay vì làm việc một mình”.
Trong đại dịch Covid-19, là một nhà khoa học, Thủ tướng Đức nắm bắt được tính chất nghiêm trọng của tình hình ngay từ giai đoạn đầu. Tổng số ca tử vong vì dịch Covid-19 tại Đức ở mức tương đối thấp khi so sánh với các quốc gia khác. Hệ thống y tế tiên tiến của Đức cho phép nước này tiếp nhận cả những bệnh nhân nặng từ các quốc gia châu Âu khác. |