Ẩn ý vụ phóng tên lửa lần thứ 14 trong năm của Triều Tiên?

04/05/2022 20:59

Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa thứ 14 trong năm sau khi có tin Mỹ sắp triển khai thêm các loại vũ khí chiến lược tới Hàn Quốc.

Quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã cho phóng một tên lửa đạn đạo vào ngày 4/5, chỉ sau một tuần Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố sẽ cho mở rộng kho hạt nhân của Bình Nhưỡng với “tốc độ nhanh nhất có thể”.

Đây là vụ phóng tên lửa lần thứ 14 trong năm nay của Triều Tiên bất chấp các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Giới chức Mỹ - Hàn cảnh báo Triều Tiên dường như còn chuẩn bị cho nối lại các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Ẩn ý vụ phóng tên lửa lần thứ 14 trong năm của Triều Tiên?
Vụ phóng thử nghiệm ICBM Hwasong-17 của Triều Tiên hồi tháng Ba. (Ảnh: KCNA)

“Một tên lửa đạn đạo được Triều Tiên phóng vào lúc 12h03 (giờ địa phương) từ khu vực Sunan hướng ra biển Nhật Bản đã được phát hiện. Quân đội Hàn Quốc vẫn duy trì khả năng sẵn sàng theo dõi và giám sát các động thái liên quan về việc có thêm những vụ phóng mới”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn tuyên bố từ Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Makoto Oniki cho hay Lượng Phòng vệ Bờ biển nước này phát hiện Triều Tiên “phóng vật thể nghi là tên lửa đạn đạo”. Tên lửa đã bay xa được 500 km và đạt độ cao tối đa là 800 km.

“Hành động gần đây của Triều Tiên bao gồm các vụ phóng tên lửa thường xuyên là không thể dung thứ, bởi nó là mối đe dọa tới an ninh và an toàn của khu vực cũng như cộng đồng quốc tế”, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói.

Triều Tiên được cho đã tạo ra bước chuyển biến mới quan trọng bằng vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tầm xa có khả năng tấn công tới lục địa của Mỹ vào tháng Ba.

Đây là vụ phóng ICBM đầu tiên được Triều Tiên tiến hành kể từ năm 2017. Cụ thể, Triều Tiên thông báo đã phóng thử thành công ICBM thế hệ mới nhất và cỡ lớn nhất mang tên Hwasong-17 vào ngày 24/3. Song giới chức Hàn Quốc lại khẳng định vụ phóng Hwasong-17 lần đầu tiên của Triều Tiên là vào ngày 16/3 và đã thất bại. Còn vào ngày 24/3, Triều Tiên cho phóng tên lửa phiên bản cũ hơn là Hwasong-15.

Đáng nói, những vụ thử tên lửa như trên đã tạm dừng trong khoảng thời gian Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có hoạt động ngoại giao sôi nổi với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Song sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra vào tháng 2/2019 bị thất bại, Triều Tiên được cho đã tăng tốc mở rộng năng lực hiện đại hóa quân sự, bất chấp Bình Nhưỡng vẫn đang phải thi hành hàng loạt lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Trong cuộc duyệt binh vào tuần trước, ông Kim đưa ra tuyên bố nhấn mạnh sẽ cho triển khai các biện pháp phát triển “lực lượng hạt nhân quốc gia với tốc độ nhanh nhất có thể”.

“Các lực lượng hạt nhân, biểu tượng cho sức mạnh quốc gia và nòng cốt của sức mạnh quân đội cần được tăng cường cả về chất lượng và số lượng”, truyền thông quốc gia Triều Tiên dẫn lời ông Kim.

Trên thực tế, những cuộc đàm phán hạt nhân trước đây nhằm thuyết phục ông Kim từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân đều không mang lại kết quả.

“Đây chính là cơ hội tốt để Triều Tiên phóng thử nghiệm một loại tên lửa có thể trang bị đầu đạn hạt nhân”, ông Ahn Chan-il, nhà nghiên cứu về Triều Tiên chia sẻ.

Thậm chí, trong cuộc họp với nhóm quan chức quân sự hàng đầu hồi tuần trước, ông Kim cảnh báo có thể sử dụng lực lượng hạt nhân để đánh phủ đầu những lực lượng đối địch.

Vụ phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vào ngày 4/5 diễn ra chỉ trước vài ngày tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chính thức nhậm chức vào tuần tới. Trong chiến dịch tranh cử, ông Yoon từng nhấn mạnh ông sẽ thi hành quan điểm cứng rắn đối với Triều Tiên.

“Vụ phóng có thể chính là thông điệp cảnh báo mà Triều Tiên gửi tới ông Yoon”, ông Hong Min tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc cho hay.

Cũng theo ông Hong Min, ông Yoon từng có tuyên bố ám chỉ sẵn sàng đối thoại hòa bình, nếu Triều Tiên xác nhận sẵn sàng phi hạt nhân hóa. Nhưng đây là điều Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ chấp thuận.

“Đây còn là tín hiệu cho thấy quan điểm của Bình Nhưỡng rằng, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường kho vũ khí, nếu như Seoul và Washington quyết định triển khai thêm các vũ khí chiến lược tới Hàn Quốc”, ông Hong Min nói thêm.

Trong phiên điều trần vào tuần trước, ông Lee Jong-sup, ứng cử viên giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc trong chính quyền của tân Tổng thống Yoon, cho hay “khả năng vũ khí được triển khai tới Hàn Quốc là tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc vũ khí có tầm bắn ngắn hơn”.

Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới thăm Hàn Quốc trong tháng Năm này.

Còn hôm 2/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Mỹ có kế hoạch tăng cường khả năng răn đe ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà cụ thể là trước Trung Quốc và Triều Tiên thông qua khoản chi trị giá khoảng 6 tỉ USD cho năm tài khóa 2023.

“Khoản ngân sách đầu tư khoảng 6 tỉ USD cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương. Ngoài thực hiện chiến lược quốc phòng quốc gia mới, Mỹ sẽ tăng cường năng lực, cơ sở hạ tầng, sự hiện diện và khả năng sẵn sàng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa ở đảo Guam”, Yonhap dẫn lời ông Austin.

Theo Bộ trưởng Austin, khoản chi này sẽ giúp Mỹ tăng cường năng lực để đối phó trước các mối đe dọa lâu dài từ Trung Quốc, Triều Tiên, Iran và các nhóm khủng bố trên toàn cầu.

Như kế hoạch của Mỹ, nhiều loại vũ khí sẽ được cung cấp tới các vị trí chiến lược. Điển hình, Mỹ đang duy trì khoảng 28.500 binh sĩ hoạt động trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Minh Thu (lược dịch)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ẩn ý vụ phóng tên lửa lần thứ 14 trong năm của Triều Tiên?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO