'Ẩn ý' của Washington khi đề cử ông Nicholas Burns làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc

Bích Hạnh| 23/08/2021 15:08

Baoquocte.vn. Ngày 20/8, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Joe Biden dự định đề cử nhà ngoại giao kỳ cựu Nicholas Burns làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc.

'Ẩn ý' của Washington khi đề cử ông Nicholas Burns làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc
Ông Nicholas Burns được đề cử trở thành Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Dấu hiệu "ngoại giao lên ngôi"

Giới quan sát cho rằng, việc đề cử ông Nicholas Burns làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc là điều báo hiệu Washington có thể đang tìm kiếm một đại diện ngoại giao đóng vai trò trung tâm hơn trong mối quan hệ Mỹ-Trung đang ngày càng rạn nứt.

Việc chính quyền của Tổng thống Joe Biden lựa chọn ông Burns, một quan chức ngoại giao nghỉ hưu từng giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ từ năm 2005-2008, đã đánh dấu sự thay đổi trong vai trò của Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh.

Trong thập kỷ qua, vị trí này thường được đảm nhiệm bởi các cựu chính trị gia, thay vì bởi các nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm.

Nếu được Thượng viện thông qua, ông Burns sẽ đến Trung Quốc giữa lúc quan hệ hai nước đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Ông Burns sẽ ngồi vào chiếc ghế bị bỏ trống kể từ tháng 10/2020, sau khi Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump tiền nhiệm - ông Terry Branstad - từ nhiệm.

Mặc dù ông Burns không được coi là chuyên gia trong lĩnh vực chính sách về Trung Quốc, nhưng 4 vị Đại sứ trước đó của Mỹ tại Bắc Kinh cũng vậy.

Tuy nhiên, ông Burns có quan hệ mật thiết với Tổng thống Biden.

Nhà ngoại giao 65 tuổi này từng đảm nhiệm vai trò cố vấn cho chiến dịch bầu cử của ông Biden và đã làm việc chặt chẽ trong nhiều năm với một số cố vấn đáng tin cậy nhất của Tổng thống, bao gồm cả Ngoại trưởng Antony Blinken.

Cựu Tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush từng bổ nhiệm ông Burns làm Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị.

Evan Medeiros, chuyên gia về châu Á dưới thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama và hiện làm việc tại trường Đại học Georgetown, cho rằng việc ông Burns được lựa chọn cho thấy Tổng thống Biden đang tìm kiếm một mô hình giao tiếp mới với Bắc Kinh.

Quyết định trên được đưa ra đúng vào thời điểm các cuộc đối thoại cấp cao thường xuyên bị thu hẹp trong bối cảnh cạnh tranh về ý thức hệ giữa hai nước ngày càng gay gắt.

Học giả trên nói: “Thông điệp mà Mỹ muốn đưa ra là chúng tôi cần một chú ngựa chiến, chứ không phải chú ngựa trình diễn. Chúng tôi muốn Đại sứ Mỹ là một trong những người đóng vai trò chủ chốt trong quan hệ song phương, và chúng tôi cần một người hiểu rõ chính trị nước lớn".

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang trong những năm gần đây, vai trò của Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đã ngày càng bị hạn chế, đặc biệt là khi Bắc Kinh tìm cách giảm các hoạt động tiếp cận của Đại sứ với người dân.

Với việc chính quyền của Tổng thống Biden tỏ ra miễn cưỡng quay trở lại các cuộc đối thoại cấp cao thường xuyên mà Bắc Kinh đang tìm kiếm, một số nhà phân tích nói rằng, có thể vị trí Đại sứ sẽ đảm nhận một vai trò quan trọng hơn.

James Green, cựu quan chức Mỹ từng phục vụ nhiều nhiệm kỳ tại Đại sứ quán ở Bắc Kinh, nêu rõ: "Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh có thể trở lại đóng vai trò vừa là người đưa tin, vừa là người truyền đạt lại thông tin từ các quan chức Trung Quốc”.

Ông nói rằng, chính quyền Mỹ sẽ được hưởng lợi từ "sự hiểu biết sâu sắc về bộ máy chính sách đối ngoại" của ông Burns cũng như "thông điệp rõ ràng" đối với Trung Quốc, bởi ông Burns từng đảm nhiệm vai trò phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ vào giữa những năm 1990.

Nhà ngoại giao kỳ cựu này cũng từng là Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Hy Lạp.

Sau khi nghỉ hưu tại Bộ Ngoại giao, ông làm việc với Cohen Group, Công ty tư vấn ở Washington, và trở thành Giáo sư tại Trường Chính phủ Kennedy thuộc Đại học Harvard.

Kỳ vọng ở tân Đại sứ

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích Trung Quốc, việc Nhà Trắng chính trị hóa các chính sách đối với Trung Quốc sẽ hạn chế khả năng của Đại sứ Mỹ sắp tới trong việc cải thiện quan hệ hai nước.

Shi Yinhong, cố vấn của Quốc vụ viện và là Giáo sư về Quan hệ quốc tế tại trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định rằng, mặc dù ông Burns là một nhà ngoại giao kỳ cựu được kính trọng, nhưng cả ông và Đại sứ Trung Quốc Tần Cương sẽ bị hạn chế "hoàn toàn" bởi mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai nước.

Chuyên gia Shi nói: “Môi trường quốc tế đã thay đổi rất nhiều và tôi không thấy có nhiều không gian để hai Đại sứ làm việc nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai nước”.

Theo Shi Yinhong, môi trường chính trị trong nước của Mỹ và thái độ của các đồng minh của quốc gia này cũng sẽ gây khó khăn cho việc xoa dịu quan hệ.

Chuyên gia độc lập về quan hệ Mỹ-Trung Yu Wanli cho rằng, chính sách của Mỹ ở Afghanistan và chính sách của nước này đối với Trung Quốc không liên quan đến nhau, nhưng việc ông Biden đề cập Trung Quốc trong bài phát biểu ngày 16/8 báo hiệu rằng, Trung Quốc là một "vấn đề lớn" đối với các nhà hoạch định chính sách.

Yu Wanli nói: “Mối quan hệ Mỹ-Trung hiện tại đã bị phủ bóng bởi chính trị, nhưng tôi nghĩ điều tích cực ở đây là ông Burns có quan điểm độc lập.

Tuy nhiên, các Đại sứ theo truyền thống là những người đưa tin, và hiện vẫtròn còn phải xem ông Burns có thể đóng một vai lớn như thế nào. Điều đó phụ thuộc vào việc ông có thân thiết với Tổng thống hay không”.

Trong khi đó, Lü Xiang - nhà nghiên cứu về Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - chỉ ra rằng, việc bổ nhiệm một nhà ngoại giao kỳ cựu làm Đại sứ tại các cường quốc thực sự là một lựa chọn hiếm thấy đối với Mỹ.

Tuy nhiên, ông Burns là một lựa chọn tối ưu đối với đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, vì ông đã làm việc cho cả chính quyền của cựu Tổng thống Clinton và Bush.

Do đó, đề cử của ông sẽ không bị Thượng viện phản đối, và ông Burns rất quen thuộc với các đội an ninh cũng ngoại giao của chính quyền hiện tại.

Lü Xiang nói với tờ Global Times rằng, với tư cách là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ông Burns sẽ không mấy “hứng thú” khám phá các cơ hội vào thời điểm tinh tế và phức tạp hiện nay trong mối quan hệ Trung-Mỹ.

Thay vào đó, ông sẽ tuân theo hướng dẫn chính sách của chính quyền Tổng thống Biden về Trung Quốc.

Học giả Lü nhấn mạnh: "Hiện nay, mối quan hệ Trung-Mỹ đang rất tế nhị, phức tạp và gai góc. Với tư cách là người thực thi chính sách của đất nước chứ không phải là người ra quyết định, vai trò của Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc bị hạn chế”.

Về phần mình, Lý Hải Đông - Giáo sư tại Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc - hy vọng, ông Burns sẽ làm quen với các vấn đề của Trung Quốc càng sớm càng tốt, đồng thời đưa ra phản hồi kịp thời cho Washington dựa trên sự hiểu biết của mình.

Giáo sư Lý Hải Đông nhận định: “Việc Mỹ có một Đại sứ tại Bắc Kinh sẽ giúp kiểm soát bất đồng và tránh sự hiểu lầm nhiều hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, nếu chính quyền của Tổng thống Biden từ chối thay đổi chính sách ngăn chặn và không giảm bớt luận điệu chống Trung Quốc, những gì tân Đại sứ có thể làm là rất hạn chế”.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Ẩn ý' của Washington khi đề cử ông Nicholas Burns làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO