Vào cuối tháng 10/2022, hãng đấu giá Millon của Pháp chào bán ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng với giá khởi điểm từ 2 đến 3 triệu Euro (48,1 tỷ đồng đến 72,2 tỷ đồng). Việc công khai thông tin đấu giá kim ấn thu hút sự quan tâm của giới sưu tầm cổ vật trong nước và quốc tế.
Được biết, đây là một trong những món cổ vật Việt Nam được đấu giá cao ở nước ngoài. Câu chuyện về chiếc ấn được nhiều chuyên trang quốc tế như Bloomberg hay Artnet đăng tải thông tin.
Sau đó, đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã sang Pháp để đàm phán việc hồi hương ấn vàng. Việc hồi hương món cổ vật không chỉ giúp bổ sung, hoàn thiện các cổ vật, di sản văn hóa bị thất lạc, tránh "chảy máu chất xám" ra nước ngoài, còn giúp bảo tồn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa.
Với việc đàm phán thành công hồi hương "Hoàng đế chi bảo", sự kiện có mặt ở vị trí thứ 3 trong danh sách đề cử "10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật năm 2022".
Cùng phiên chào bán ấn vàng, hãng đấu giá Millon đã bán thành công chiếc bát vàng của vua Khải Định vào tối ngày 31/10 (theo giờ địa phương).
Theo thông tin giới thiệu của nhà đấu giá Pháp, bát có đường kính miệng 10,4cm, cao 7cm, nặng 456,6 gram. Thân bát chạm trổ hình rồng với phần đáy khắc nổi bốn chữ (Khải Định niên tạo) ở chính giữa. Lòng bát màu nâu, được tráng một lớp thủy tinh. Bát có một vết nứt.
Ban đầu, chiếc bát niêm yết giá khởi điểm khoảng 15.000 Euro (gần 400 triệu đồng). Nhưng sau đó, cổ vật được bán giá 680.000 Euro (khoảng 16,7 tỷ đồng) chưa bao gồm thuế phí. Con số này cao gấp 27 lần so với dự đoán của Millon.
Trước đó, một món cổ vật khác xuất xứ từ triều Nguyễn cũng xuất hiện trong phiên đấu giá ở nước ngoài. Hồi tháng 6/2022, chiếc bát ngọc xuất hiện trong phiên "bộ sưu tập của Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam - mỹ thuật châu Á" do hãng Drouot tổ chức.
Trên trang web chính thức, nhà đầu giá Gazette Drouot mô tả, chiếc bát ngọc có đường kính 14,5cm, cao 6,2cm, có phần miệng bằng vàng. Món cổ vật làm bằng ngọc bích, phần thân khắc nổi hai con rồng bay lượn trên mây. Phần đáy bát có dấu chữ triệu "Tự Đức niên tạo".
Ban đầu, các chuyên gia dự đoán bát ngọc có giá từ 30.000 Euro đến 50.000 Euro (753 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng). Trong phiên đấu giá diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, sau nhiều lần trả giá, một nhà sưu tầm không tiết lộ danh tính đã mua chiếc bát với giá 845.000 Euro (hơn 21 tỷ đồng).
Bên cạnh những món cổ vật nhận được sự chú ý trên sàn quốc tế, tranh Việt tiếp tục ghi dấu ấn trong thời gian qua. Trong phiên đấu giá "Modern Evening Auction" tổ chức vào tối ngày 27/4/2022 tại Sotheby's Hong Kong (Trung Quốc), bức "Figures in a garden" (tạm dịch: Những dáng hình trong khu vườn) của Lê Phổ có giá 2,3 triệu USD. Đây cũng là con số kỷ lục về giá được trả cho tranh của danh họa Lê Phổ.
Theo mô tả, bức tranh sơn dầu 3 tấm có kích thước 175 x 69,5cm mỗi tấm. Được biết, những yếu tố độc đáo đã góp phần giúp tác phẩm "Những dáng hình trong khu vườn" đạt kỷ lục mới. Qua đó, bức tranh hiện nắm giữ vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng các tác phẩm đắt giá nhất của hội họa Việt từng xuất hiện tại các cuộc đấu giá công khai.