Ấn vàng Hoàng đế chi bảo: Sẽ sớm về Việt Nam

18/11/2022 15:00

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hoàng Đạo Cương - Trưởng Đoàn công tác liên ngành đàm phán với phía Pháp về việc hồi hương bảo vật kim ấn Hoàng đế chi bảo - cho biết, phía Pháp và gia đình ông Bảo Đại rất thiện chí trong quá trình đàm phán để hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo.

Thiện chí từ phía Pháp

Vừa trở về từ Pháp sau chuyến đàm phán, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết, trên cơ sở kết quả xác định được tính xác thực của ấn vàng, hai bên Việt Nam và Pháp thống nhất việc chuyển giao ấn vàng Hoàng đế chi bảo cho phía Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Hai bên thống nhất thực hiện quy trình, thủ tục pháp lý liên quan để có thể hồi hương ấn vàng về Việt Nam theo quy định pháp luật của hai quốc gia.

an-1-4048.jpg
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo

Việc đàm phán thành công cho thấy sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành có liên quan và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Bộ VHTTDL đóng vai trò quan trọng trong việc chủ động và kịp thời xây dựng phương án “hồi hương”, xin ý kiến các bộ, ngành và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện.

“Trong những ngày qua, Đoàn công tác liên ngành do Bộ VHTTDL chủ trì rất nỗ lực để đi đến kết quả cuối cùng: phía Pháp đồng ý chuyển giao bảo vật này cho Việt Nam sau khi hoàn thành các thủ tục. Thông qua cuộc đàm phán này, các thành viên trong đoàn công tác liên ngành nhận thấy phía Pháp, nhà đấu giá Million và gia đình ông Bảo Đại dành tình cảm thân thiện và bày tỏ thiện chí lớn. Bên cạnh đó, sự chủ động và tích cực của phía Việt Nam giúp hai bên đi đến sự hiểu biết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói.

an-3-4370.jpg
Mặt dưới ấn Hoàng đế chi bảo

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế khẳng định, dựa vào lai lịch của ấn vàng và thực tiễn lịch sử, chỉ có Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đại diện duy nhất đủ tư cách pháp lý để đàm phán, hồi hương ấn Hoàng đế chi bảo thông qua ngoại giao văn hóa. Điều này thể hiện rõ thông qua chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai phương án hồi hương cổ vật, với sự tham gia của Bộ VHTTDL cùng với các bộ Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan. Sự phối hợp giữa các bộ ban ngành đảm bảo cho quá trình đàm phán và hồi hương ấn vàng được thông suốt trên tất cả các phương diện từ ngoại giao, pháp lý, giám định…

Phát huy giá trị bảo vật

TS Phạm Quốc Quân và TS Nguyễn Văn Đoàn là hai chuyên gia trong đoàn công tác có nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá và xác thực ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Trở về sau chuyến công tác, TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho hay, nhìn từ góc độ chuyên môn của những người làm di sản, ấn vàng Hoàng đế chi bảo hay bất cứ hiện vật nào là di sản văn hóa của cha ông đang thất lạc ở nước ngoài khi được hồi hương cũng mang lại sự xúc động mạnh.

Việc ấn vàng Hoàng đế chi bảo được hồi hương góp phần hoàn thiện, phản ánh được đầy đủ hơn giá trị, ý nghĩa sưu tập hiện vật trong tiến trình lịch sử văn hóa của dân tộc. TS Nguyễn Văn Đoàn nói rằng, nhiệm vụ đàm phán vừa rồi khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc, trong đó có chủ trương hồi hương cổ vật. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang lưu giữ hai ấn vàng triều Nguyễn Sắc mệnh chi bảo, Hoàng đế tôn thân chi bảo.

Ngay khi xuất hiện thông tin về bảo vật Hoàng đế chi bảo bị rao bán đấu giá, người dân Việt Nam nói chung và những người yêu quý di sản văn hóa nói riêng, trong đó có giới nghiên cứu cổ vật luôn có sự trân quý đặc biệt đối với những di vật, hiện vật trong kho tàng di sản dân tộc. Tất thảy đều mong muốn và đề nghị với Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp hồi hương những báu vật để bổ sung, hoàn thiện bộ sưu tập Kim Ngọc Bảo Tỷ của nhà Nguyễn đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) đóng góp tích cực vào quá trình lên phương án, xin ý kiến nhằm hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Theo đại diện Cục Di sản Văn hóa, việc hồi hương cũng là việc làm rất có ý nghĩa đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Nhờ cố vấn Tổng thống Pháp can thiệp

Để dừng phiên đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, các cơ quan đại diện của Việt Nam đã phải tận dụng mọi kênh, trao đổi thư, công hàm đối ngoại, gặp cố vấn Tổng thống Pháp và lãnh đạo nhiều cơ quan, tổ chức. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết như vậy trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 17/11.

Bình Giang

Kết quả đàm phán thành công để hồi hương ấn vàng này mở ra cơ hội cho những cuộc “hồi hương” trong tương lai. “Thông qua việc đàm phán hồi hương kim ấn Hoàng đế chi bảo, trong thời gian tới các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và Bộ VHTTDL cần tiến hành khảo sát, đánh giá tổng thể những hiện vật, bảo vật còn thất lạc ở bên ngoài biên giới quốc gia do chiến tranh và nhiều lý do khách quan khác. Chúng ta cũng cần nghiên cứu xây dựng nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để có phương án hồi hương những cổ vật lưu lạc về nước”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói.

Theo Tiền Phong
https://tienphong.vn/an-vang-hoang-de-chi-bao-se-som-ve-viet-nam-post1487316.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/an-vang-hoang-de-chi-bao-se-som-ve-viet-nam-post1487316.tpo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo: Sẽ sớm về Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO