Ngày nay, những hoạt động đó vẫn được thực hiện qua các lễ hội đầy cuốn hút, với trọng tâm là các nghi thức liên quan đến việc đốt lửa, đuốc, nến… để đánh dấu một thời điểm đặc biệt trong năm, xua đi những linh hồn không được chào đón, hay đón mừng năm mới bằng một sự tái sinh rực lửa. Đặc biệt nhất trong lĩnh vực này là Nhật Bản - quốc gia tổ chức nhiều lễ hội lửa, một số trong đó thậm chí có “tuổi đời” từ 1.400 đến 1.600 năm.
Được tổ chức thường nhiên vào thứ Bảy của tuần thứ tư của tháng 1 ở Thủ phủ Nara của tỉnh Nara, Wakakusa Yamayaki là Lễ hội Lửa rất thú vị - sau màn pháo hoa ngoạn mục, cỏ trên núi Wakakusa được đốt cháy tạo thành một “địa ngục” có thể nhìn thấy từ khắp thành phố. (Ảnh: Travel.co)
Tạp chí du lịch online uy tín của Mỹ, Atlas Obscura, lựa chọn giới thiệu một số lễ hội Lửa ấn tượng nhất thế giới, giúp du khách đưa vào danh sách “phải đến” dịp đầu năm mới 2022 khi có cơ hội. Gây chú ý nhất bao gồm:
Lễ hội lửa Oto, Nhật Bản
Oto Matsuri (Lễ hội Lửa Oto) là một lễ hội cổ xưa gắn với lịch sử hơn 1.400 năm, là một trong những lễ hội lửa sống động và nổi tiếng nhất Nhật Bản. Lễ hội Lửa Oto gắn với nghi thức rửa tội và cầu cho mùa màng bội thu, được tổ chức vào ngày 6/2 hàng năm tại thành phố Shingu, tỉnh Wakayama, với một màn trình diễn Lửa rất ngoạn mục và ấn tượng.
Các Noboriko đốt đuốc tạo thành “dòng sông” lửa đỏ rực cuộn chảy, được ví như hình ảnh một con rồng bay xuống hạ giới, tại Lễ hội Lửa Oto, Nhật Bản. (Ảnh: Getty)
Đó là cảnh tượng với khoảng từ 1.500 đến 2.000 người đàn ông mặc đồ trắng được gọi là Noboriko, rước những ngọn đuốc châm từ ngọn lửa thiêng, chạy qua 538 bậc đá của Đền Kumano Hayatama Taisha xuống dưới. Họ tạo nên một “dòng sông” lửa đỏ rực cuộn chảy, được ví như hình ảnh một con rồng bay xuống hạ giới. Kể từ khi Lễ hội Lửa Oto lần đầu diễn ra đến nay có rất ít thay đổi, ví dụ như quy tắc cấm phụ nữ lên núi vào ngày diễn ra lễ hội vẫn được duy trì.
Kumano Hayatama Taisha là một trong ba ngôi đền quan trọng của Kumano (đền Thần đạo thờ ba ngọn núi Kumano là Hongu, Shingu và Nachi). Đền Kumano Hayatama Taisha giữ một vị trí quan trọng trong thần thoại Nhật Bản.
Lễ hội lửa Oniyo, Nhật Bản
Lễ hội Lửa Oniyo của đền Daizenji Tamataregu ở thành phố Kurume, tỉnh Fukuoka, là lễ hội Tsuina để xua đuổi tà ma (nghĩa đen của Tsuina cũng là "xua đuổi"). Truyền thống này đã được đền Daizenji Tamataregu duy trì suốt khoảng 1.600 năm, và là một trong ba lễ hội lửa lớn nhất Nhật Bản.
Lễ hội Lửa Oniyo diễn ra vào ngày 7/1 hàng năm. Vào lúc 9 giờ tối, một “ngọn lửa ma quỷ” vốn được canh giữ tại ngôi đền này, được truyền sang 6 ngọn đuốc khổng lồ dài 15m và có đường kính 1 m. Sau đó, những ngọn đuốc khổng lồ này được những người đàn ông mặc khố Shimekomi truyền thống rước vòng quanh ngôi đền. Người xem và du khách sẽ được coi là may mắn nếu tro đuốc rơi trúng người họ.
Sáu ngọn đuốc khổng lồ được đám đông đàn ông mặc khố Shimekomi truyền thống rước quanh đền Daizenji Tamataregu, trong Lễ hội Lửa Oniyo. (Ảnh: fravel.co)
Lễ hội “đốt quỷ” La Quema Del Diablo, Guatemala
Tại vùng Trung Mỹ, người Guatemala tổ chức lễ hội truyền thống La Quema del Diablo (“Burning of the Devil” - Đốt quỷ) vào ngày 7/12 hàng năm, tại thủ đô Guatemala City.
Theo truyền thống có từ thế kỷ 18, La Quema del Diablo là lễ hội chính thức khởi động mùa Giáng sinh, với đức tin qua nghi thức đốt những hình nộm quỷ dữ được làm bằng gỗ hoặc giấy sẽ xóa bỏ được những điều xấu trong năm qua. Nghi thức này nhằm thanh tẩy cho quá trình Đức Mẹ Maria thụ thai Chúa Jesus, và cũng để Ngài thoát khỏi mọi điều ác.
Nghi thức đốt “effigy of devil” (hình nộm ma quỷ) để xóa bỏ những điều xấu trong Lễ hội Lửa La Quema del Diablo (Đốt quỷ) tại Guatemala City. (Ảnh: Getty)
Lễ hội Ánh sáng Pottenstain, Đức
Festival of light Pottenstain (Lễ hội Ánh sáng Pottenstain) diễn ra hàng năm vào ngày 6/1, với hàng ngàn ngọn lửa được cư dân địa phương đốt trên cỏ tại những sườn núi bao quanh thị trấn Pottenstain thuộc thành phố Bayreuth, bang Bavaria của nước Đức.
Truyền thống thắp sáng giữa trời này đã có từ hơn 100 năm trước, nhằm đánh dấu thời điểm kết thúc nghi thức Chầu Thánh Thể (là một thực hành Thánh Thể trong Công giáo phương Tây). Năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, Lễ hội Ánh sáng Pottenstain thu hút hơn 10.000 du khách tới trải nghiệm.
Lễ hội Ánh sáng Pottenstain độc đáo với hàng ngàn ngọn lửa ngoài trời, được cư dân địa phương đốt trên những sườn núi quanh thị trấn Pottenstain của nước Đức. (Ảnh: Getty)
Lễ hội lửa “Up Helly Aa”, Scotland
Lễ hội Lửa “Up Helly Aa” được tổ chức hàng năm từ tháng 1 đến tháng 3 trong các cộng đồng khác nhau tại quần đảo Shetland, nằm ở ngoài khơi phía đông bắc Scotland. Các lễ hội “Up Helly Aa” mang ý nghĩa đánh dấu thời điểm kết thúc mùa Yule (giai đoạn mùa đông và cũng là lễ hội tôn giáo). Trong đó nổi bật nhất là Lễ hội Lửa “Up Helly Aa” lớn nhất diễn ra vào thứ Ba cuối cùng của tháng 1 tại Thủ phủ Lerwik của Shetland, thu hút tới cả ngàn người tham gia diễu hành qua các đường phố.
Mỗi Lễ hội Lửa “Up Helly Aa” đều có trọng tâm chính là cuộc rước đuốc do Guizar Jarl squad (Biệt đội Guizar Jarl) dẫn đầu. Guizar Jarl là người chỉ huy chính trong lễ hội thời hiện đại, dẫn đầu một đội gồm nhóm người mặc trang phục như người Viking (tên gọi chung chỉ các nhà thám hiểm, thương nhân, chiến binh, hải tặc… đến từ bán đảo Scandinavia vào thời đại Đồ Đá Muộn).
Đỉnh điểm của cuộc rước đuốc tại Lễ hội Lửa “Up Helly Aa” là màn đốt cháy một mô hình Viking galley (chiến thuyền của người Viking, có tầm quan trọng về mặt quân sự thời thế kỷ 16). (Ảnh: Getty)