An ninh lương thực ASEAN: Bài toán khó nhưng có nhiều cách giải

Phương Vy| 28/02/2023 13:40

An ninh lương thực đang là vấn đề nan giải đối với ASEAN. Hợp tác với các đối tác như EU hay Nhật Bản là các hướng đi cần phải thúc đẩy để tìm ra giải pháp toàn diện cho lĩnh vực trọng yếu này.

An ninh lương thực ASEAN: Bài toán khó nhưng có nhiều cách giải
Ngành nông nghiệp của ASEAN đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, đặc biệt là thiếu hụt nguồn lao động. (Nguồn: Aectourismthai)

Các mối đe dọa rập rình

Trong những năm gần đây, các nước ASEAN phải đối mặt với các vấn đề an ninh lương thực. Cuộc khủng hoảng kép gây ra bởi đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine đã ảnh hưởng đến dòng người lao động di cư - những người hoạt động trong ngành nông nghiệp, làm gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực và hạn chế sản lượng lúa mì và phân bón trên toàn cầu.

Các quốc gia thành viên ASEAN ưu tiên việc duy trì các chuỗi cung ứng lương thực mở và khả dụng. Tuy nhiên, việc giải quyết các mối đe dọa đang rình rập khác đối với an ninh lương thực cũng quan trọng không kém.

Biến đổi khí hậu đã và đang gây ảnh hưởng tới sản xuất lương thực do nhiệt độ và lưu lượng mưa dao động. Quá trình đô thị hoá ngày một tăng gây ra sự sụt giảm tương ứng trong lực lượng người làm nông, khi mà nhóm nông dân hiện tại già đi và ít người trẻ quan tâm đến việc thế chỗ họ.

Với những thách thức được đưa ra, việc nghiên cứu và phát triển nông nghiệp (R&D) phải là một yếu tố cốt lõi trong bất kỳ chính sánh an ninh lương thực quốc gia nào. Việc tập trung nghiên cứu khí hậu là cần thiết để phát triển các giống cây trồng có thể chống chịu khí hậu ngày một bất ổn và các sự kiện thời tiết cực đoan.

Việc kết hợp công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp giúp tối ưu sản xuất. Các công nghệ có thể đa dạng từ kỹ thuật công nghệ mức thấp, như phủ luống trồng, xây dựng vi lưu, tới các phát minh tiên tiến bao gồm việc sử dụng phương tiện bay không người lái và cảm ứng. Hiện đại hóa lĩnh vực nông nghiệp sẽ thay đổi định kiến tiêu cực của người trẻ rằng ngành này là “lấm bẩn, nguy hiểm và khó khăn”.

Tuy nhiên, các quốc gia ASEAN đều phải chịu sự sụt giảm trong nghiên cứu nông nghiệp. Năm 2020, báo cáo của Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) nhấn mạnh rằng các quốc gia ASEAN không chỉ đầu tư ít vào việc nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, mà chi tiêu của họ cho nghiên cứu và phát triển nông nghiệp như một phần của tổng sản phẩm quốc nội nông nghiệp đã giảm dần trong giai đoạn 2000-2017. Ngành nông nghiệp cũng chủ yếu bao gồm các hộ sản xuất nhỏ vốn không thể đầu tư mạnh tay vào nghiên cứu và phát triển.

Nhật Bản hay EU-đều hợp tác cùng thắng

Hiện tại, các nỗ lực nghiên cứu và phát triển nông nghiệp của ASEAN chủ yếu bị giới hạn trong trao đổi kiến thức giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, ASEAN vẫn sẵn sàng hợp tác với các đối tác bên ngoài nhằm mở rộng quy mô kết hợp các nỗ lực nghiên cứu và chính sách của các quốc gia thành viên. Ví dụ, việc ASEAN hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực giám sát sức khỏe cộng đồng đã diễn ra thành công.

Một sáng kiến tương tự cũng nên được triển khai nhằm kết hợp và củng cố các nỗ lực nghiên cứu và phát triển nông nghiệp tại Đông Nam Á. Liên minh châu Âu (EU) là một đối tác thân thiết. EU đã đầu tư nguồn vốn vào cơ sở an ninh lương thực ở ASEAN do Indonesia, Việt Nam và Malaysia là các nguồn cung chính cho việc nhập khẩu nông sản của EU.

Một sáng kiến tiềm năng giữa EU và ASEAN có thể chia ra làm 2 đề xuất. Đề xuất đầu tiên là EU tài trợ và chia sẻ chuyên môn kỹ thuật nhằm thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp ASEAN (ACARD). Mục tiêu chính của ACARD sẽ là đào tạo các nhà nghiên cứu chuyên về công nghệ nông nghiệp và giúp bố trí việc nghiên cứu và phát triển nông sản khu vực.

ACARD cần xây dựng dựa trên những nỗ lực trao đổi tri thức khu vực hiện có. Trung tâm có thể giám sát tình hình và tiến độ của các tổ chức tương tự để đóng góp vào các nỗ lực an ninh lương thực, và nghiên cứu và phát triển nông sản.

Điều này sẽ bao gồm làm việc với Ban dự trữ an ninh lương thực ASEAN, Hệ thống thông tin an ninh lương thực ASEAN, các cơ sở đào tạo và các tổ chức nghiên cứu tư nhân. Bằng việc đứng ở vị trí trung tâm của mạng lưới nghiên cứu và phát triển nông sản khu vực, ACARD sẽ được trang bị để thúc đẩy phối hợp nghiên cứu và phát triển liên ngành, phát hiện khả năng trùng lặp trong nghiên cứu trên khắp các tổ chức khác nhau và xác định khoảng trống trong nghiên cứu.

ACARD cũng có thể đóng vai trò là trung tâm đào tạo các nhà nghiên cứu ASEAN chuyên về công nghệ nông sản. Tổng cục tài nguyên bền vững của EU thuộc Trung tâm nghiên cứu chung, cùng với các cơ sở đào tạo, ví dụ như trường Đại học Hohenheim của Đức và Đại học và nghiên cứu Wageningen ở Hà Lan, có thể thường xuyên hợp tác với ACARD. Điều này có thể thúc đẩy việc trao đổi kinh nghiệm giữa 2 khu vực.

Đề xuất thứ hai là EU hỗ trợ việc tài trợ và chia sẻ chuyên môn nhằm mở rộng mạng lưới chuyên đề nông nghiệp trên khắp ASEAN. Những mạng lưới chuyên đề này, được mô phỏng theo Hiệp hội đối tác đổi mới châu Âu về năng suất nông nghiệp và tính bền vững, sẽ thúc đẩy sự tương tác giữa các nhân tố quan trọng trong ngành công nghiệp nông sản - bao gồm nông dân, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và các công ty nông nghiệp tư nhân. Mạng lưới chống chịu với biến đổi khí hậu ASEAN, nơi tập trung vào nông nghiệp thông minh với khí hậu, là một ví dụ.

Mạng lưới chuyên đề cũng nên tập trung vào đa dạng sinh học và quản lý đất trồng, nước và chất thải. Những mạng lưới này nên thúc đẩy các sáng kiến trồng trọt kỹ thuật thấp và trình bày những phát hiện đó trong một dạng thức có thể tiếp cận được cho các người tiêu dùng cuối như các hộ nông dân nhỏ.

Khoảng trống trong các nỗ lực nghiên cứu và phát triển nông nghiệp của ASEAN mang đến cho EU cơ hội để mở rộng hợp tác trong khuôn khổ quan hệ đối tác EU-ASEAN xoay quanh tăng trưởng xanh và xây dựng năng lực. EU có thể học hỏi từ những kinh nghiệm chung của các hộ nông dân nhỏ, trong khi ASEAN có thể đón nhận sự hỗ trợ để phát triển năng lực nghiên cứu và củng cố giáo dục nông dân. Cả EU và ASEAN sẽ được lợi từ một nền an ninh lương thực vững chắc hơn ở ASEAN.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
An ninh lương thực ASEAN: Bài toán khó nhưng có nhiều cách giải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO