Pháp sẽ có một nhiệm kỳ Chủ tịch Liên minh châu Âu bộn bề khó khăn. (Nguồn: AFP) |
Tìm kiếm hướng đi mới
Năm 2021 chứng kiến nhiều sự kiện tác động tiêu cực đến an ninh châu Âu như sự sụp đổ của Hiệp ước Bầu trời mở, bất hòa giữa Mỹ-Pháp liên quan đến thỏa thuận an ninh ba bên (AUKUS), việc chấm dứt đối thoại chính thức giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới Ba Lan-Belarus.
Trước thách thức an ninh đó, châu Âu dường như đang tìm kiếm các chiến lược mới. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (tháng 6/2021), bất chấp nhiều hoài nghi, NATO đã nhất trí về chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương 2030 (#NATO2030).
Trong khi phương thức tổ chức hoạt động và việc phân cấp các mối đe dọa trực tiếp vẫn cần được làm rõ hơn thì các kế hoạch mới trong lĩnh vực phát triển vũ khí, chống biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng tương tác đã được công bố.
Song song với đó, dự án quân sự La bàn Chiến lược nhằm tăng khả năng can thiệp các cuộc khủng hoảng trên thế giới mà không bị phụ thuộc vào Mỹ tiếp tục được tiến hành kể từ cuối năm 2020.
Căng thẳng đôi bờ Đại Tây Dương đã phần nào dịu đi sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền. Tuy vậy, Liên minh châu Âu (EU) vẫn xác định lợi ích và vạch rõ lằn ranh đỏ trong quan hệ với Washington.
Căng thẳng đôi bờ Đại Tây Dương đã dịu đi sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, song EU vẫn xác định lợi ích và vạch rõ lằn ranh đỏ trong quan hệ với Washington. |
Củng cố sức mạnh
Đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch luân phiên EU vào năm 2022, Pháp đã công bố các điều khoản trong chương trình nghị sự của mình dưới phương châm “Phục hồi, quyền lực, gắn kết”. Đây được coi là lời kêu gọi củng cố chủ quyền của châu Âu.
Dù không được trình bày trực tiếp, song các mục tiêu của Paris khá rõ ràng. Đó là làm cho EU dễ quản lý hơn và có trách nhiệm hơn với các thành viên, với các quy tắc chung mới nhằm tăng cường khả năng huy động, cải thiện năng lực cạnh tranh và an ninh của khối trong một thế giới ngày càng nhiều thách thức.
Pháp sẽ đề xuất cải cách khu vực Schengen và thắt chặt luật nhập cư - một vấn đề nan giải đối với EU kể từ năm 2015 và càng trở nên trầm trọng trong những tháng gần đây.
Ngoài ra, Điện Élysée sẽ kêu gọi sửa đổi mức trần thâm hụt ngân sách theo các tiêu chí của Hiệp ước Maastricht để khắc phục hậu quả của đại dịch, đồng thời đưa ra mức thuế carbon tại biên giới các nước EU. Điều này cho phép tạo ra một nguồn thu nhập mới và tạo thêm trách nhiệm nhằm thực hiện các mục tiêu “xanh” của các nước thành viên.
Việc đẩy nhanh kế hoạch thông qua Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA), do Ủy ban châu Âu đề xướng vào cuối năm 2020, cũng nhằm mục đích thống nhất luật pháp chung và củng cố vị thế của châu Âu trên thế giới.
Nhiều người cho rằng Paris đã sáng suốt khi chọn ra các lĩnh vực ưu tiên, điểm yếu của EU và tập trung vào các lĩnh vực đó.
Vùng Đông Ukraine tiếp tục là bài toán khó trong an ninh châu Âu. (Nguồn: AP) |
Ưu tiên quốc phòng
Trong số đó, ưu tiên đặc biệt của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là tăng cường khả năng quốc phòng của EU, với phát động chiến dịch La bàn Chiến lược vào mùa Xuân năm 2022 là nhiệm vụ cơ bản. Giai đoạn đầu tiên của chiến dịch La bàn sẽ kéo dài một năm, bao gồm hàng chục cuộc họp bàn tròn với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu.
Được coi là người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho “quyền tự chủ chiến lược” của EU, Tổng thống Emmanuel Macron đã vận động những nhà lãnh đạo khác của khối tự chủ hơn trong lĩnh vực an ninh trong suốt 5 năm vừa qua.
Với sự “quyết liệt” từ Điện Elysee, EU đã khởi động nhiều sáng kiến như Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) trong khu vực phòng thủ hay Sáng kiến can thiệp châu Âu (IEI).
Nếu không kể tới truyền thống hay mục tiêu chính sách đối ngoại của Pháp, nước này vẫn là nhà xuất khẩu vũ khí lớn của châu Âu và cường quốc hạt nhân, nơi tổ hợp công nghiệp-quân sự liên kết chặt chẽ với nhà nước.
Tính toán chiến lược
Thực hiện chương trình nghị sự 2022 được cho mang lại lợi ích chính trị tức thời khi Pháp sắp bước vào một chu kỳ bầu cử mới.
Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ diễn ra vào ngày 10-11/3 tại Paris, một tháng trước cuộc bầu cử. Đây có thể trở thành một điểm nhấn của chiến dịch bầu cử cũng như là bài kiểm tra uy tín của nhà lãnh đạo hiện tại.
Chưa chính thức tuyên bố tham gia cuộc đua tổng thống, nhưng ông Emmanuel Macron đang tích cực xây dựng hình ảnh, nhất là khi nhiều chính trị gia cánh hữu ủng hộ chủ nghĩa cấp tiến sẵn sàng lợi dụng thất bại của ông để kiếm sự ủng hộ của cử tri.
Trong khi đó, việc tìm kiếm đồng minh dường như có tầm quan trọng then chốt với chiến thắng của Paris ở cấp độ châu Âu. Năm 2016-2017, sở dĩ các sáng kiến do Pháp khởi xướng thành công là do nhận được sự hỗ trợ của Đức và các nước Trung và Đông Âu.
Trong bối cảnh đó, thay đổi nội các ở Đức chắc chắn sẽ tác động đến chính sách của Pháp. Một mặt, sau kết quả chuyến thăm đầu tiên của tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Paris ngày 10/12, các bên đã tuyên bố rõ ràng về lập trường của mình, với mong muốn chung là củng cố châu Âu.
Mặt khác, Đảng Dân chủ Xã hội (SDP) của Thủ tướng Scholz liên minh với Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) vốn không ủng hộ can dự quá nhiều vào các vấn đề an ninh. Do vậy, “quyền tự chủ chiến lược” của Pháp lại tạo nên một “chủ quyền chiến lược” bị kiềm chế hơn đối với Đức.
Trong bối cảnh đó, Pháp có thể tăng cường đối thoại với nước có quan điểm gần gũi và linh hoạt hơn như Italy hay Tây Ban Nha.
Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ diễn ra vào ngày 10-11/3 tại Paris, một tháng trước ngày bầu cử. Đây có thể trở thành điểm nhấn của chiến dịch tranh cử, cũng như bài kiểm tra uy tín của Tổng thống Emmanuel Macron. |
Thách thức đan xen
Tuy nhiên, khó khăn thực sự với Pháp nằm ở việc thuyết phục các nước nhỏ. Các sáng kiến châu Âu không nhằm thay thế cho liên minh xuyên Đại Tây Dương, song sự hình thành của danh sách các mối đe dọa chung không chỉ “dẫm chân” lên nhiệm vụ của NATO, mà còn đặt ra thách thức lớn cho tổ chức này.
Cách nhìn nhận khác nhau của các nước châu Âu đồng nghĩa rằng phân bổ nguồn lực giải quyết thách thức là không đồng đều.
Các nước Đông Âu, vốn thiếu nguồn lực nhưng vẫn tin rằng đối đầu với Nga là cần thiết, sẽ phản đối các sáng kiến của Pháp trong EU. Đáp lại, Paris, Rome và Madrid hẳn sẽ không “bằng lòng” với hợp tác giữa các nước này và Mỹ trong vấn đề an ninh ở châu Âu.
Tìm ra đường hướng thống nhất, giải quyết chung một vấn đề giữa những người chơi khác nhau sẽ tạo ra rào cản không hề nhỏ với Tổng thống Emmanuel Macron.
Điều này khiến chính sách đối ngoại của Paris trong năm 2022 trở nên đáng theo dõi hơn bao giờ hết.