Ăn một chiếc bánh chưng phải chạy 7h mới tiêu hết năng lượng, bác sĩ chỉ cách ăn tránh béo cho món này

Ngọc Hân (T/H)| 10/02/2021 07:40

Việt BáoBánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm Tết Nguyên đán của gia đình Việt. Tuy nhiên, làm sao để ăn món này tránh báo, tránh bệnh không phải ai cũng biết.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bánh chưng là món ăn cung cấp năng lượng rất lớn. Món ăn này làm từ gạo nếp, thịt ba chỉ, đậu xanh. Thông thường một chiếc bánh chưng được làm với 1,5-2 bát gạo nếp (khoảng 400-500g gạo), 100 g gạo nếp có 344 kcal. Như vậy, một chiếc bánh chưng chứa khoảng 1.500-1.700 kcal, chưa kể thịt mỡ, đậu xanh.

Về hàm lượng các chất dinh dưỡng, 100g bánh chưng thành phẩm cung cấp 181 kcal; 4,3 g chất đạm; 4,2g chất béo; 31,6g chất bột đường; 0,6g chất xơ; 26g canxi; 0,94 g sắt; 1,4 g kẽm.

Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm Tết cổ truyền của người Việt.

Một chiếc bánh chưng vuông cỡ vừa, chia 8 miếng, cung cấp 204 kcal, 4,7 g chất đạm, 5,6 g chất béo và 33,9 g chất bột đường. Trong khi đó một bát cơm trắng cung cấp khoảng 180-200 kcal.

"Mỗi ngày chỉ cần ăn thêm 2-3 miếng bánh chưng như trên thì năng lượng khẩu phần đã tăng lên đáng kể, nguy cơ không kiểm soát được cân nặng có thể xảy ra", bác sĩ Hưng nói.

Tuy nhiên, bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm Tết cổ truyền của người Việt. Nhiều người thường chờ đợi đúng dịp Tết Nguyên đán để thưởng thức những chiếc bánh chưng cùng không khí sum vầy bên gia đình do chính những người thân yêu gói tại nhà.

Theo ThS.BS Dzoãn Thị Tường Vy, Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng, ăn bánh chưng là nguyên nhân dẫn đến tăng cân sau Tết, đồng thời có thể “rước” bệnh sau kỳ nghỉ dài ngày. Do đó, để ăn món ăn này tránh béo, tránh bệnh người dân cần nhớ những nguyên tắc sau:

Ăn bánh chưng kèm dưa hành rất ngon nhưng những người sau không nên ăn

Theo bác sĩ Tường Vy, khi ăn bánh chưng, chúng ta nên ăn kèm dưa chua, hành muối, kim chi… để tiêu hóa tốt hơn, giúp tránh tăng cân. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh cao huyết áp và tim mạch thì không nên vì không tốt cho sức khỏe do dưa hành muối có nhiều muối.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn một chiếc bánh chưng bạn phải chạy 7h mới tiêu thụ hết năng lượng.

Không nên ăn bánh chưng rán

Theo bác sĩ Tường Vy, ăn bánh chưng rán rất dễ gây đầy bụng. Vào những ngày Tết, đồ ăn thức uống nhiều, lại ăn thêm bánh chưng rán thì rất dễ tăng cân. Bản thân bánh chưng đã chứa nhiều chất béo, khi rán bằng dầu mỡ thì lượng chất béo sẽ còn tăng cao hơn.

Không chỉ gây tăng cân, lượng chất béo hấp thụ từ bánh chưng rán vào cơ thể còn đặc biệt không tốt cho những người có bệnh lý cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch, bệnh thận. Đặc biệt người có tiền sử dạ dày không nên ăn bánh chưng rán, có thể làm cho bệnh lý càng nặng hơn.

Bánh chưng đã lên mốc, phải vứt bỏ phần mốc đi ngay

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Bách khoa Hà Nội), tất nhiên là ăn bánh chưng mốc không có nghĩa là bạn có nguy cơ bị ung thư. Vào thời tiết nồm ẩm dịp Tết, bánh chưng bị mốc là điều không thể tránh.

Quan trọng là nếu các gia đình tiếc của thì có thể bóc vỏ bánh đi và vẫn ăn được, không sinh bệnh. Còn với với trường hợp bánh chưng bị mốc ở trong, kể cả cắt hết phần mốc đi và ăn phần chưa bị mốc nhưng vẫn có thể bị ngộ độc thực phẩm. Tốt nhất là nếu bánh bị mốc từ trong thì nên loại bỏ, tránh bệnh không mong muốn.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, tốt nhất, người dân nên ăn ít bánh chưng hoặc ăn miếng nhỏ.

Người bệnh tiểu đường, tim mạch cần hạn chế ăn bánh chưng

Theo bác sĩ Tường Vy, bánh chưng là món ăn rất giàu năng lượng, chứa nhiều chất béo, đạm, vitamin, đường. "Điều đáng nói là 1/8 chiếc bánh chưng thông thường vào dịp Tết đã có giá trị dinh dưỡng của một bát cơm đầy có kèm thức ăn. Do đó, bánh chưng rất thích hợp cho người muốn tăng cân, người gầy, suy dinh dưỡng", bác sĩ Vy nói.

Chính bởi lẽ đó, ăn nhiều bánh chưng cực có hại cho một số người mắc bệnh lý về chuyển hóa. Chúng ta đều biết ăn nhiều bánh chưng là nguyên nhân dẫn đến tăng cân không phanh sau Tết. "Người ăn kiêng, trẻ con béo phì không nên ăn bánh chưng. Người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, rối loạn đường huyết, mỡ máu cao cần hạn chế ăn bánh chưng", BS Vi cảnh báo.

Tiến sĩ Hưng bổ sung thêm, tốt nhất, người dân nên ăn ít bánh chưng hoặc ăn miếng nhỏ. Có thể thay nhân thịt mỡ bằng đậu xanh giúp gan thải độc, đậu đen tốt cho thận, đậu đỏ tốt cho máu... Ăn kèm salad, rau xanh đỡ ngấy. Hạn chế ăn bánh chưng rán. Không ăn bánh chưng vào buổi tối. Khi đã ăn bánh chưng thì không nên ăn thêm cơm hoặc các loại tinh bột khác như bún, phở...

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ăn một chiếc bánh chưng phải chạy 7h mới tiêu hết năng lượng, bác sĩ chỉ cách ăn tránh béo cho món này
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO