Sáng ngày 18/5, bác sĩ Tô Đức Nguyện - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) cho biết, mới đây trung tâm có tiếp nhận cấp cứu cho 20 người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cỗ đám cưới. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các bệnh nhân ngộ độc đều đã ổn định, không có trường hợp nào phải chuyển lên tuyến trên.
Bác sĩ Nguyện cho biết trong vụ ngộ độc này đã có hai cháu nhỏ tử vong, một cháu 5 tuổi, một cháu 3 tuổi, cả hai trường hợp đều tử vong ngoại viện. “Nếu các cháu được đưa đến viện kịp thời đã có thể cứu được tính mạng, tuy nhiên do người dân nhận thức còn hạn chế, chỉ khi nào quá nặng mới đưa đến bệnh viện nên đã không được cấp cứu kịp thời. Một bé tử vong tại gia đình, một cháu khi đưa gần tới viện thì tử vong”, bác sĩ Nguyện cho biết.
Trước đó, ngày 13/5, tại gia đình anh L.A.P (ở xã Hưng Đạo, Bảo Lạc, Cao Bằng) có tổ chức đám cưới cho con và làm 17 mâm cỗ để mời khách. Đồ ăn trong đám cưới đều do người trong xóm tự nấu, gồm các món như đậu phụ, thị lợn xào, mỳ tôm xào trứng, giá đỗ...
Ăn mỳ xào trứng bị thiu hai cháu nhỏ tử vong. (Ảnh minh họa)
Tại đây, sau khi ăn cỗ cưới xong, ông L.T.P. mang thức ăn tại đám cưới (món mỳ tôm xào trứng) về cho 2 cháu là L.T.P. và L.A.Q. sử dụng. Tuy nhiên, do thức ăn bị ôi thiu, người nhà phát hiện triệu chứng ngộ độc muộn, không đưa đi cấp cứu kịp thời nên hai cháu đã tử vong.
Với những người khác, sau khi ăn cỗ 1 ngày, có khoảng 20 người bị các triệu chứng đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy. Chiều ngày 15/5, khi các triệu chứng ngày càng tăng nặng những người bị ngộ độc được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc khám, cấp cứu.
Bác sĩ Nguyện cho biết, tại trung tâm y tế qua thăm khám các bác sĩ đã sàng lọc, phân loại bệnh nhân, những trường hợp nhẹ được cho thuốc về điều trị ngoại trú, trường hợp nặng được cho nhập viện điều trị.
Sau sự việc này, cơ quan chức năng đã yêu cầu các đơn vị địa phương tăng cường tuyên truyền để nhân dân thực hiện tốt việc ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn thực phẩm nhất là trong những dịp tiệc cưới, tân gia, đám giỗ…ở các gia đình.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - chuyên gia về công nghệ thực phẩm cho biết, mỳ tôm nấu trứng là đồ ăn nhiều người sử dụng. Tuy nhiên loại đồ ăn này chỉ an toàn khi được nấu chín và không ôi thiu.
“Bất kể loại đồ ăn nào, không riêng gì mỳ tôm xào trứng nếu bị ô thiu cần bỏ ngay. Nếu cố sử dụng sẽ gây ngộ độc, khi bị ngộ độc không được phát hiện, cấp cứu kịp thời có thể sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng”, PGS Thịnh cho hay.
PGS Thịnh khuyến cáo, khi phát hiện bất cứ loại đồ ăn nào nếu có dấu hiệu ôi thiu cần bỏ ngày không nên tiếc rẻ ăn vào rồi ảnh hưởng đến sức khỏe. Tốt nhất, khi nấu đồ ăn chỉ nấu vừa đủ, tránh nấu đi nấu lại nhiều lần, tránh bảo quản lâu ngày, đặc biệt là mỳ tôm ăn không hết cần bỏ ngay tuyệt đối không sử dụng lại.
Khi phát hiện ngộ độc, việc đầu tiên là phải gây nôn và nôn càng nhiều thực ăn thì càng tốt. Khi kích thích gây nôn, cần để nạn nhân nằm nghiêng, đồng thời kê cao phần đầu. Cách làm này sẽ giúp chất độc không bị trào ngược vào phổi và hạn chế nguy cơ khiến người bệnh bị sặc, ngạt thở. Sau khi gây nôn cần đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.