Theo bác sĩ Trần Thị Trà Phương, hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, măng được sử dụng làm thực phẩm dưới nhiều hình thức như măng tươi, khô, đóng hộp. Chúng giàu chất xơ, có phytosterol, giúp ngăn chặn chất béo xấu và giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Măng cũng chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như protein, carbohydrate, axit amin, khoáng chất.
Tuy nhiên, măng tươi chứa hàm lượng cyanide (một gốc Acid (-CN), hợp chất của gồm các muối hoặc Acid, có đặc tính rất độc), 1 kg măng có khoảng 230 mg cyanide. Khi ăn, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide biến đổi thành axit cyanhydric (HCN), dễ gây ngộ độc.
Măng tươi chứa hàm lượng cyanide rất cao. (Ảnh minh hoạ)
Ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn khoảng 30 phút, biểu hiện như nôn, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt. Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị co giật, cứng hàm, duỗi cứng, suy hô hấp, tím tái, hôn mê. Việc sử dụng chất tẩy trắng trong quá trình bảo quản măng tươi cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để món ăn ngon, an toàn, bạn cần chọn lựa và chế biến măng đúng cách. Một số lưu ý quan trọng như chọn măng tươi tự sơ chế, không ngâm chất tẩy trắng. Các gia đình cần rửa và ngâm măng trong nước muối hoặc nước vo gạo khoảng 30-45 phút. Sau đó, bạn nên luộc trước khi chế biến tối thiểu 2-3 lần nước trong vòng 15-20 phút. Trong quá trình luộc, cần mở vung để chất độc bay hơi.
Sơ chế măng là bước rất quan trọng, giúp tẩy chất độc tự nhiên, bạn nên thực hiện đúng cách. Nếu có triệu chứng ngộ độc sau khi ăn, người bệnh cần đến cơ sở y tế sớm để chữa trị kịp thời.
Theo VTC