Điểm khai quật tại chùa Linh Sơn, thuộc Khu di tích Óc Eo, tại ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. (Ảnh tư liệu: Công Mạo/TTXVN)
Các nhà nghiên cứu Australia đã phát hiện dấu tích của một món cà ri có niên đại hàng nghìn năm ở khu khảo cổ Óc Eo thuộc tỉnh An Giang của Việt Nam. Phát hiện này góp phần làm sáng tỏ thêm về các tuyến đường thương mại cổ xưa.
Theo Tân Hoa xã, trong nghiên cứu công bố ngày 22/7, các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Australia (ANU) tin rằng đây là món cà ri lâu đời nhất - 2.000 năm tuổi, từng được biết đến đầu tiên ở Đông Nam Á.
Nhóm nghiên cứu cho biết kết quả phân tích các mẫu thu được từ bề mặt dụng cụ mài bằng đá ở khu khảo cổ Óc Eo cho thấy món ăn trên bao gồm nhiều loại gia vị như gừng, nghệ, đinh hương, nhục đậu khấu và quế.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu, chuyên gia Wang Weiwei, phát hiện này cho thấy món cà ri rất có thể được những người di cư trong thời kỳ hoạt động giao thương qua Ấn Độ Dương khởi phát mang đến Đông Nam Á.
Ông phân tích: “Với những loại gia vị có nguồn gốc từ nhiều nơi khác nhau như vậy, rõ ràng mọi người đã thực hiện những chuyến đi đường dài vì mục đích thương mại."
Ông cũng cho biết chính thương mại gia vị trên phạm vi toàn cầu đã góp phần liên kết các nền văn hóa và kinh tế ở châu Á, châu Phi và châu Âu từ thời cổ đại và thương cảng cổ Óc Eo đóng vai trò quan trọng như giao lộ văn hóa và thương mại.
Trong các cuộc khai quật trước đây tại Óc Eo, hàng hóa từ Trung Quốc, Ấn Độ và Địa Trung Hải cũng đã được phát hiện, cho thấy vai trò trung tâm thương mại lớn của thương cảng cổ này.
Bên cạnh những mẫu hỗn hợp gia vị, các nhà khoa học ANU còn phát hiện được số lượng đáng kể hạt giống trong tình trạng được bảo quản tốt, “nguyên vẹn đến nỗi thật khó để tin rằng chúng đã 2.000 năm tuổi.”
Dựa trên những hiểu biết về bề dày lịch sử của khu vực, các nhà khoa học tin rằng những phân tích sâu hơn sẽ giúp phát hiện thêm những loại gia vị mới và có thể là những gia vị từ thực vật độc đáo./.