Báo động trong hệ thống nhà nước
“Từ năm 2020 đến nay có 439 thầy thuốc nghỉ việc”- TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, mở đầu câu chuyện bằng thông tin đáng lo.
Đáng lo hơn là chuyện nghỉ việc có mặt tại 21/21 cơ sở y tế trong hệ thống nhà nước. Điều này cho thấy, làn sóng nghỉ việc của thầy thuốc không còn là chuyện riêng của cơ sở, mà là chuyện của cả hệ thống y tế.
Số liệu thống kê cho thấy điều đáng lo này đang có dấu hiệu “năm sau cao hơn năm trước”.
Cụ thể, năm 2020 toàn tỉnh An Giang có 141 thầy thuốc nghỉ việc, đến năm 2021 con số này tăng lên 152, và mới hơn nửa năm 2022 đã lên đến 146 người. Trong đó, đa số là thầy thuốc có trình độ chuyên môn, tay nghề.
“Trong số thầy thuốc nghỉ việc gần 3 năm qua, có đến 110 người có trình độ bác sĩ và 193 người có trình độ điều dưỡng hoặc y sĩ. Trong đó có đến gần 70% người dưới 40 tuổi” - ông Hiền cho biết thêm.
Điều này cho thấy, ở đây không chỉ chảy máu chất xám, mà còn chảy máu cả về nguồn nhân lực đang ở độ tuổi có khả năng, năng suất làm việc cao nhất trong đời người thầy thuốc. Và đáng lo hơn là phần lớn nạn nghỉ việc này tập trung ở các cơ sở y tế được xem là tuyến cao nhất tỉnh.
Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang có 29 người là thầy thuốc nghỉ việc. Tương tự, Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc có đến 74 người, Bệnh viện Sản - nhi có đến 39 người... Đặc biệt là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) An Giang cũng có đến 9 người nghỉ việc.
Lý giải về tình trạng này, TS.BS CKII Trần Phước Hồng, Phó Giám đốc, Chủ tịch CĐCS Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc, đơn vị có nhiều thầy thuốc nghỉ việc nhất tỉnh, cho biết: “Trong số bác sĩ trẻ nghỉ việc, có trường hợp xuất phát từ mục đích muốn tự học chuyên khoa sớm hơn so với kế hoạch đào tạo của đơn vị. Trong khi đó, Bệnh viện là đơn vị tự chủ tài chính nên cũng rất khó để giữ chân”.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ bao quát, TS.BS Trần Quang Hiền, cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến làn sóng nghỉ việc tăng cao. Bên cạnh yếu tố hoàn cảnh gia đình, thì chế độ thu hút, đãi ngộ chưa đáp ứng được nhu cầu, tương xứng với áp lực trong công việc. Cụ thể, nhiều văn bản quy định đã ban hành trên 10 năm... mà vẫn chưa được bổ sung.
Chính sách tiền lương và chế độ phụ cấp thấp không đủ cho người làm việc trong hệ thống y tế nhà nước đảm đương sinh hoạt tối thiểu gia đình, được xác định là một trong những nguyên nhân chủ lực làm “chảy máu” chất xám. Và điểm đến của sự “dịch chuyển” này được xác định là các cơ sở y tế tư nhân đang phát triển với chế độ đãi ngộ, tiền lương có thể mang lại nguồn thu nhập cao gấp 2-3 lần.
Bệnh viện tư nhân cũng “chảy máu”
“Chúng tôi cũng đang gặp khó vì thầy thuốc nghỉ việc nhiều” - BS Bùi Thị Thu Hồng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Dân An Giang, (TP.Long Xuyên) đã làm tôi ngạc nhiên khi đưa ra con số rất cụ thể - “Từ đầu năm 2022 đến nay đã có gần 20 thầy thuốc, đa số là y sĩ, điều dưỡng xin nghỉ việc”.
BS Hồng cho biết, mấy ngày nay đơn vị liên lạc với nhiều nơi để “săn đầu người”, nhưng vẫn đang chờ. BS Hồng xác nhận, đúng là thu nhập ở cơ sở y tế tư nhân cao gấp 2-3 lần, thậm chí nhiều hơn nữa so với hệ thống y tế nhà nước, nhưng thời gian gần đây, nhiều cơ sở y tế tư nhân vẫn “chảy máu” nhân lực. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là áp lực xã hội và bất cập của chính sách.
“Nhiều khi đang làm việc, nhân viên chạy vào phòng lãnh đạo khóc ròng vì vừa bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mắng” - BS Hồng nhớ lại.
Theo BS Hồng, có thể do những hệ lụy của dịch COVID-19 khiến nhiều người dễ bị “căng thẳng tâm lý”. Chính điều này đã khiến nhiều bệnh nhân đến khám theo diện Bảo hiểm y tế dễ bị nổi “quạu” khi bị thầy thuốc thông báo những hạn chế trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chủng loại thuốc... “Thậm chí ngay cả khi Ban giám đốc xuống tận nơi nhã nhặn tìm hiểu, trao đổi cũng bị mắng. Nhiều người chỉ đáng tuổi em cháu, cũng lớn tiếng, nặng lời với tôi thì với các nhân viên y tế trẻ tuổi chắc còn khó nghe hơn” - BS Hồng bức xúc. Bực, tức... nhưng các thầy thuốc chỉ biết lấy bồ hòn làm ngọt... vì rất khó để xử lý.
Tuy nhiên, điều BS Hồng khiến chúng tôi lấy làm lo lắng hơn trong câu chuyện “chảy máu” thầy thuốc ở đây chính là “lối rẽ” sau khi từ bỏ môi trường y tế.
“Nhiều y sĩ, điều dưỡng đã năn nỉ tôi cho các em chuyển đi làm công nhân may. Sợ các em thiệt thòi, tôi vận động, nhưng khi nghe các em bày tỏ nguyện vọng được “bỏ nghề” không thể đau lòng hơn” - BS Hồng chia sẻ.
Theo đó, đi làm công nhân, thu nhập có ít hơn, nhưng xong việc, về nhà nghỉ ngơi, vui chơi với gia đình.
Vì vậy, theo BS Hồng, bên cạnh đề xuất về việc ban hành chính sách tăng cường chế độ đãi ngộ... rất mong có chính sách tạo môi trường an toàn cho thầy thuốc an tâm làm việc và gắn bó với sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người.