VTCnews đưa tin, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cựu giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, cơ thể của tôm chia thành hai phần chính: phần đầu và phần thân.
Phần đầu của tôm là một khoang rỗng có vỏ cứng, trong đó chứa các bộ phận quan trọng như hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết và hệ hô hấp.
Hệ tiêu hóa của tôm bao gồm hai bộ phận chính là dạ dày và ruột. Dạ dày nằm ngay trong khoang đầu, là nơi tập trung thức ăn khi tôm săn mồi.
Tôm là loài ăn tạp, thức ăn của chúng rất đa dạng từ côn trùng, tảo, ấu trùng ký sinh trùng đến xác động vật và thực vật thối rữa.
Dạ dày của tôm chứa nhiều chất bẩn như trứng ký sinh trùng và vi sinh vật gây hại cho sức khỏe con người. Vì vậy, cần loại bỏ dạ dày khi sử dụng tôm làm thực phẩm.
Ruột là đường ống nhỏ chạy dọc ở phần phía trên lưng tôm (chỉ đen).
Bộ phận thứ hai của hệ tiêu hóa là ruột, một ống nhỏ chạy dọc trên lưng tôm. Sau khi tiêu hóa ở dạ dày, thức ăn sẽ đi qua ruột và chất thải sẽ được đẩy ra ngoài qua lỗ mở của ruột. Ruột tôm cũng là nơi tập trung chất thải từ hệ tiêu hóa.
Các chất trong ruột tôm có vị đắng, làm giảm hương vị ngon của thịt tôm khi ăn. Do đó, có thể kết luận rằng các bộ phận trong hệ tiêu hóa của tôm đều chứa chất bẩn và cần được loại bỏ để đảm bảo an toàn thực phẩm và giữ được giá trị dinh dưỡng của thịt tôm.
Chuyên gia cũng chia sẻ thêm rằng phần đầu của tôm còn chứa một bộ phận rất quý là gạch tôm. Gạch tôm không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn rất ngon, mang vị bùi và mùi thơm đặc trưng của tôm.
Gạch tôm thường nằm gần vỏ đầu tôm, kế bên dạ dày. Ban đầu, khi chưa nấu chín, gạch tôm có màu xám đen, nhưng sau khi đã chín, nó sẽ đông cứng lại và có màu nâu đỏ rất đẹp.
Mặc dù lượng thịt tôm trong phần đầu không nhiều bằng phần thân, nhưng vẫn đáng kể, thường chiếm khoảng 25 đến 30% khối lượng của đầu tôm.
Do đó, khi chế biến thức ăn, nếu có thể, các bà nội trợ nên bóc một bên của đầu tôm để lấy dạ dày màu đen và giữ lại phần còn lại để tận dụng đầy đủ cả thịt tôm và gạch tôm, tạo ra một món ăn hấp dẫn.
Tuy nhiên, cách làm này chỉ thích hợp với những con tôm lớn. Đối với những con nhỏ, nên để phần đầu liền với thân tôm. Khi ăn, sau khi tôm đã chín, cần bóc bỏ dạ dày ở phần đầu và rút ruột ở phần lưng trên thân tôm để đảm bảo an toàn.
Theo chuyên gia, tôm là một loại thực phẩm ngon, giàu chất dinh dưỡng. Chỉ cần chọn lựa tôm tươi và chế biến đúng cách, món tôm sẽ trở thành một bữa ăn ngon và giàu chất bổ, đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm.
Vì vậy, để tránh nguy cơ nhiễm độc từ tôm hỏng hoặc chứa nhiều chất bẩn, vi sinh vật và trứng ký sinh trùng, các bà nội trợ cần chú ý chế biến đúng cách, nấu chín kỹ và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, tôm nên chế biến bằng cách hấp hay luộc chín để hạn chế nhiễm giun sán và ký sinh trùng gây ngộ độc. Khi mua nên quan sát đầu tôm, nếu bộ phận này chuyển màu đen thì nguy cơ nhiễm chất độc hại cao.
Không nên ăn hải sản chung với trái cây, do hàm lượng tanin trong trái cây khiến cơ thể giảm sự hấp thu của protein và canxi, dẫn đến đau bụng, buồn nôn, khó chịu. Nên ăn hải sản và trái cây cách nhau khoảng hai giờ, theo VnExpress.
Theo Người Đưa Tin