Tờ Hindustan Times ngày 17-3 đưa tin, Bộ Quốc phòngẤn Độ thông báo Hội đồng mua sắm quốc phòng của nước này đã phê duyệt các đơn đặt hàng vũ khí mới trị giá 705 tỷ rupee (tương đương 8,52 tỷ USD) cho tất cả các lực lượng của quân đội. Trong số này, các đơn hàng mua 225 tên lửa BrahMos, 60 máy bay trực thăng đa nhiệm cùng các hệ thống tác chiến điện tử cho lực lượng hải quân Ấn Độ chiếm phần lớn với trị giá 560 tỷ rupee.
Thủ tướng Narendra Modi (thứ ba, từ trái sang) tại lễ ra mắt nhà máy sản xuất máy bay trực thăng lớn nhất châu Á ở bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ, tháng 2-2023. Ảnh: PTI |
Việc các đơn hàng mua sắm quốc phòng mới đều do các công ty trong nước thực hiện được nhìn nhận là nhằm thực hiện cam kết của chính phủ quốc gia Nam Á trong việc “giảm dần sự phụ thuộc của Ấn Độ vào nước ngoài cho các nhu cầu quốc phòng của mình”. Trong một nỗ lực tương tự, tờ South China Morning Post cho biết hồi đầu tháng 2-2023, Ấn Độ đã ra mắt nhà máy sản xuất máy bay trực thăng lớn nhất châu Á, có thể sản xuất ít nhất 1.000 chiếc/năm. Đến đầu tháng 3, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng đã ký các hợp đồng mua 70 máy bay huấn luyện với tập đoàn Hindustan Aeronautics Limited và 3 tàu huấn luyện với tập đoàn Larsen & Toubro.
Trang mạng Defense News dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, New Delhi đã quyết định dành 1.620 tỷ rupee (tương đương 19,94 tỷ USD) để mua sắm các loại vũ khí mới chủ yếu từ các nhà thầu nội địa trong tài khóa 2023-2024 (bắt đầu từ ngày 1-4-2023 đến 31-3-2024). Trong khi đó, tại Triển lãm Hàng không Ấn Độ 2023 (Aero India 2023) hồi tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tuyên bố trong tài khóa 2023-2024, quốc gia Nam Á dành 75% ngân sách mua sắm quốc phòng để mua các loại vũ khí từ các nhà sản xuất trong nước nhằm "khai phá những cơ hội mới để đạt mục tiêu tự chủ và thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng của đất nước". Tờ Hindustan Times nhấn mạnh 75% là một tỷ lệ lớn chưa từng có bởi trong các tài khóa 2020-2021, 2021-2022 và 2022-2023, tỷ lệ này lần lượt là 58%, 64% và 68%.
Theo tờ Hindustan Times, cùng với việc dành khoản ngân sách riêng để mua sắm các loại vũ khí được sản xuất trong nước, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi còn thực nhiều biện pháp để thúc đẩy sự tự chủ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, trong đó có việc tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ mức 49% lên 74% và cấm nhập khẩu hàng trăm loại vũ khí do nước ngoài sản xuất. Cho đến nay, số lượng các loại vũ khí nước ngoài bị cấm nhập khẩu vào Ấn Độ là hơn 400.
Nỗ lực thúc đẩy sự tự chủ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng được triển khai trong bối cảnh nhiều thập niên qua, Ấn Độ là một trong những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Như khẳng định của Thủ tướng Modi tại Aero India 2023, ngày nay, Ấn Độ "không chỉ là thị trường cho các công ty quốc phòng mà còn là đối tác quốc phòng tiềm năng". Ấn Độ hiện xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng tới 75 quốc gia trên thế giới và muốn tăng xuất khẩu quốc phòng từ mức 1,5 tỷ USD hiện nay lên 5 tỷ USD vào năm 2025. Tờ The Times of India dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, Ấn Độ xếp vị trí thứ 4 tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về khả năng tự chủ trong sản xuất vũ khí.
HOÀNG VŨ