Thử ve sầu có sừng
Trước đó, anh T.H.Đ. (19 tuổi, tỉnh Bình Phước) được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nôn nhiều, đi cầu phân lỏng, không ăn uống được, mệt lả, xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng tăng cao… Khoảng 2 giờ sau, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng thần kinh: lơ mơ, vật vã kích thích, bí tiểu.
Theo bệnh nhân Đ. trước đó anh cùng 2 người bạn đào được một ổ ve sầu dưới đất khoảng 20 con mang về xào làm mồi nhậu. Trong đó, có những con ve mọc nấm trên đầu trông giống đông trùng hạ thảo. Anh Đ. ăn khoảng 10 con, còn 2 người bạn sợ nên chỉ ăn 2 con.
Vừa ăn xong được một lúc thì cả 3 người có triệu chứng đau bụng, ói mửa nên kêu người đi Trung tâm y tế Thị xã Phước Long cấp cứu.
BS CKII Đặng Văn Đẩu - Giám đốc điều hành Bệnh viện Hoàn Mỹ Bình Phước - cho biết sau 4 giờ dùng thuốc tích cực, bệnh nhân thoát sốc, huyết áp trở lại bình thường,không còn đau bụng, đỡ tiêu chảy. Tuy nhiên sau đó, bệnh nhân vẫn còn tồn tại dấu hiệu thần kinh, lúc tỉnh lúc mê. Nghi ngờ bệnh nhân ngộ độc nấm nên các bác sĩ đã điều tra lại thì bệnh nhân mới cho biết nhậu con ve có “sừng”.
Hay mới đây, 6 người được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La trong tình trạng đau mỏi cơ, đau bụng, nôn nhiều, đi ngoài và tổn thương tế bào gan được chẩn đoán là ngộ độc côn trùng.
Trước đó, có tất cả 19 người cùng bản Khiêng là anh em họ hàng, sau khi giúp nhau làm đồng đã tổ chức ăn uống và đến sáng hôm sau thì có biểu hiện như trên.
Cả 19 người sau khi ăn bọ xít đều có chung biểu hiện là đau người, đau bụng, nôn và đi ngoài. 13 người có biểu hiện nhẹ được điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Thuận Châu (Sơn La), 6 người có triệu chứng nặng được chuyển ngay xuống bệnh viện đa khoa tỉnh.
Nhiều loại không có nguồn gốc
Theo Cục an toàn thực phẩm, tại Việt Nam, việc sử dụng côn trùng như cào cào, châu chấu, nhộng tằm, dế, ong, mối, nhộng ve sầu, sâu cây chít, sâu cây dâu, sâu cây sắn dây… làm thức ăn, thậm chí được chế biến thành những món đặc sản như bọ cạp chiên, châu chấu sốt sa tế, bọ xít rang lá chanh, trứng cà cuống phơi khô để làm bánh ngọt, dế chiên… khá phổ biến.
Tuy nhiên, việc ăn các loại côn trùng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc do ăn côn trùng, thậm chí dẫn đến tử vong tại một số địa phương. Nguyên nhân các vụ ngộ độc thường là do sử dụng côn trùng đã chết (sinh ra độc tố); bị nhiễm nấm độc hay chứa nhựa cây độc như cây cọc rào, cây cỏ lào, thầu dầu tía… hoặc các chất tiết có độc tố... không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến; hay do cơ địa người ăn mẫn cảm với protein lạ trong côn trùng.
Triệu chứng ngộ độc nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo độc tố trong côn trùng, tổng lượng đã ăn vào và cơ địa người ăn (người già, có uống rượu, phụ nữ có thai, trẻ em... thường bị nặng). Dấu hiệu ngộ độc thường là buồn nôn, nôn, run tay chân một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, tăng tiết, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lo mơ, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân... và có thể tử vong.
Biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo độc tố trong côn trùng, tổng lượng đã ăn vào và cơ địa người ăn (người già, có uống rượu, phụ nữ có thai, trẻ em... thường bị nặng).
Th.S BS Trần Thiên Tài – Trưởng đơn vị dị ứng, miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết những loại côn trùng phổ biến hiện nay là nhộng, dế, ve sầu, cào cào… được người dân rất ưa chuộng và thường được lựa chọn làm món ăn. Đã có nhiều trường hợp sau khi ăn một số loại côn trùng này đã phải nhập viện là do xảy ra tình trạng ngộ độc và dị ứng.
Đối với tình trạng ngộ độc, những thực phẩm có nguồn gốc từ côn trùng nếu không được bảo quản đúng cách, chế biến kỹ, sẽ biến đổi chất và dễ bị các vi sinh vật xâm nhập như vi khuẩn Staphylococcus, E.coli, Salmonella, Campylobacter… hay các loại nấm mốc. Với điều kiện thích hợp, các vi sinh vật này phát triển và sinh ra các độc tố, đi vào cơ thể sẽ gây ra ngộ độc.
Một trong những yếu tố làm gia tăng tình trạng ngộ độc hiện nay là do nhiều loài côn trùng trong đó có nhộng được bày bán rất nhiều trên thị trường mà không rõ nguồn gốc, không qua kiểm định và có sự bảo quản đúng cách hoặc thậm chí, người dân tự tìm bắt các loại côn trùng trong tự nhiên để sử dụng, những điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Đối với tình trạng dị ứng, đây là phản ứng quá mức bất thường của hệ miễn dịch, cơ thể sản xuất ra các kháng thể để chống lại với các dị nguyên có trong các loài côn trùng. Triệu chứng lâm sàng của dị ứng diễn ra nhanh chóng từ vài phút đến vài giờ sau khi ăn, với biểu hiện từ mức độ nhẹ như ngứa da, nổi mày đay, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy đến mức độ nặng là sốc phản vệ bao gồm tụt huyết áp, trụy mạch, rối loạn ý thức, hôn mê mà nếu không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong.
Bác sĩ Thiên Tài nhấn mạnh, đối với những người có cơ địa dị ứng như đã có tiền sử dị ứng với thức ăn, thuốc thì nguy cơ dị ứng khi ăn những món chế biến từ côn trùng là cao hơn người bình thường, vì vậy cần phải đặc biệt lưu ý.
“Tóm lại, với những món ăn được xem là “độc lạ” có nguồn gốc từ côn trùng thì người sử dụng phải hết sức cảnh giác vì có nguy cơ dẫn tới ngộ độc hoặc xảy ra phản ứng dị ứng nguy hiểm cho tính mạng. Kể cả ngộ độc hay dị ứng thì cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời”, bác sĩ Tài khuyến cáo.