Lạc (đậu phộng) là loại hạt thông dụng, vừa bình dân lại có giá trị dinh dưỡng cao, thích hợp để ăn lai rai hoặc chế biến cùng các món ăn hàng ngày.
Lạc chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất, carbohydrate, protein, chất béo không bão hòa… Trong vỏ lạc có nhiều chất chống oxy hóa và các hợp chất thực vật như resveratrol nên giá trị dinh dưỡng của lạc được đánh giá rất cao.
Các bệnh về tim mạch và mạch máu não nguy hiểm không kém gì ung thư. Điều đáng mừng là các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, duy trì thói quen ăn lạc với lượng hợp lý có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và mạch máu não, đồng thời giúp tim mạch khỏe mạnh hơn.
Kết quả này được chỉ ra trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí "Stroke", đã theo dõi 74.793 người trưởng thành Nhật Bản trong độ tuổi từ 45 đến 74 trong 15 năm.
Nhóm tác giả phát hiện ra rằng những người ăn trung bình 4 hạt lạc mỗi ngày có ít khả năng mắc các bệnh tim mạch hơn những người không hề ăn lạc. Cụ thể:
- Giảm 16% nguy cơ đột quỵ tổng thể.
- Giảm 20% nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
- Giảm 13% nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng lưu ý rằng, tác dụng hạ huyết áp của lạc rất hạn chế. Do đó, mọi người không nên cố gắng hạ huyết áp bằng cách ăn món này.
Theo khuyến cáo, người lớn khỏe mạnh nên tiêu thụ khoảng 10g hạt mỗi ngày, tương đương với khoảng 12 hạt lạc. Chúng ta cũng không nên ăn quá nhiều lạc vì có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe.
Ăn một lượng nhỏ vào bữa sáng
Bữa sáng là một trong những thời điểm tốt nhất để ăn lạc. Bản thân lạc chứa nhiều chất béo và calo nên tốt nhất bạn không nên ăn quá nhiều, có thể chọn trộn với các món ăn hoặc cho vào cháo, canh để ăn sáng.
Tránh chế biến lạc với nhiều gia vị
Lạc nên được chế biến bằng các phương pháp ít gia vị như hầm, luộc, rang, không chỉ giữ được giá trị dinh dưỡng mà còn tốt cho sức khỏe. Chuyên gia khuyến cáo nên tránh chiên lạc hoặc chế biến với quá nhiều muối và đường.
Chọn lạc tươi mới
Nên lựa chọn các loại lạc mới, được bảo quản tốt, chất lượng cao để ăn. Nếu lạc đã cũ và xuất hiện các vết nấm mốc cần vứt bỏ kịp thời. Lúc này, lạc đã sản sinh độc tố aflatoxin rất nguy hiểm với sức khỏe, đặc biệt tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư gan.
Bí quyết khi mua lạc, tốt nhất nên chọn loại có vỏ màu vàng hoặc trắng, hạt căng và đều, đây là loại lạc có chất lượng cao. Khi thấy vỏ có màu đen và nhân chuyển sang màu nâu sẫm, bạn phải kịp thời vứt bỏ.
Bệnh nhân tăng lipid máu: Lạc chứa nhiều chất béo và calo. Do đó, nếu bệnh nhân tăng lipid máu ăn quá nhiều sẽ làm bệnh nặng thêm và có thể mắc các bệnh tim mạch, mạch máu não như bệnh mạch vành.
Người suy thận: Lạc có chứa nhiều phốt pho. Trong khi đó, những người suy thận sẽ bị ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa phốt pho trong cơ thể. Chính vì vậy, bệnh nhân suy thận ăn nhiều lạc sẽ làm tăng gánh nặng cho thận.
Bệnh nhân có axit uric cao và bệnh gút:Bệnh nhân có axit uric cao và bệnh gút nên ăn ít thức ăn có nhiều purin. Trong khi đó, lạc là thực phẩm có nhiều chất purin, ăn quá nhiều có thể dẫn đến tăng axít uric trong cơ thể và tăng nguy cơ mắc bệnh gút.
Bệnh nhân mắc bệnh về gan và túi mật: Lạc là thực phẩm giàu chất béo. Chất béo trong đó cần được chuyển hóa qua mật và gan. Người mắc bệnh về gan và túi mật ăn quá nhiều lạc có thể khiến chất béo khó tiêu hóa và gây ra các triệu chứng như tiêu chảy.