AMM-56: Indonesia khuyến khích đối thoại tìm giải pháp cho vấn đề Myanmar

Tuấn Anh| 12/07/2023 12:10

Ngày 12/7, phát biểu khai mạc phiên họp hẹp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56), Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho rằng đã đến lúc khuyến khích đối thoại giữa các bên liên quan ở Myanmar để mở đường cho giải pháp chính trị, từ đó hòa bình bền vững.

AMM-56: Indonesia khuyến khích đối thoại tìm giải pháp cho vấn đề Myanmar
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi phát biểu tại phiên họp hẹp AMM-56. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi khẳng định rằng Đồng thuận 5 điểm (5PC) được các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí vào tháng 4/2021 là tài liệu tham khảo chính và việc thực hiện thỏa thuận này là trọng tâm của ASEAN. Bất kỳ nỗ lực nào khác phải hỗ trợ việc thực hiện 5PC.

Bộ trưởng Retno Marsudi cho biết với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2023, trong 7 tháng qua, Indonesia đã có tổng cộng hơn 110 cuộc gặp, tiếp xúc, can dự… rất sâu rộng với tất cả các bên liên quan ở Myanmar, song khẳng định đây là một nhiệm vụ phức tạp và không hề dễ dàng đối với Jakarta.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực tiếp diễn và gia tăng ở Myanmar, đồng thời hối thúc tất cả các bên liên quan lên án bạo lực vì đây là điều tối quan trọng để xây dựng lòng tin, cung cấp hỗ trợ nhân đạo và đối thoại.

Thông báo rằng công tác hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar đã có một số bước tiến, Bộ trưởng Retno Marsudi bày tỏ hy vọng rằng Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA) sẽ có thêm sự tiếp cận những người cần hỗ trợ, trong đó có người dân ở Magway và Sagaing.

AMM-56: Indonesia khuyến khích đối thoại tìm giải pháp cho vấn đề Myanmar
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN dự khai mạc phiên họp hẹp AMM-56. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đề cập đến vai trò trung tâm của ASEAN, Bộ trưởng Retno Marsudi cho rằng tổ chức khu vực này cần giữ vai trò chủ đạo trong việc điều hướng các thách thức địa chính trị hiện tại và tương lai, thông qua các kênh như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia nhấn mạnh rằng EAS và ARF là những nền tảng bao trùm rất quan trọng tập hợp tất cả các bên trong khu vực. Riêng đối với ARF, sau 30 năm tồn tại, đã đến lúc diễn đàn cần tập trung vào ngoại giao phòng ngừa, song song với việc duy trì các biện pháp xây dựng lòng tin.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
AMM-56: Indonesia khuyến khích đối thoại tìm giải pháp cho vấn đề Myanmar
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO