Một phụ nữ ở thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, đã bị tòa kết án tù treo sau khi đâm xe vào chồng. Thẩm phán đồng thời cũng phê chuẩn đơn xin ly dị của người chồng sau khi anh này cho biết không thể chịu đựng những cơn thịnh nộ, bạo hành thường xuyên của vợ trong suốt hơn 10 năm qua, đài truyền hình Giang Tô đưa tin.
Vụ việc xảy ra khi cặp vợ chồng (giấu tên) đang chờ đèn đỏ thì xảy ra cãi vã. Người chồng quyết định ra khỏi xe và bỏ đi. Người vợ, thay vì đi tiếp, đã quyết định nhấn chân ga và lao xe vào chồng. Tuy cố gắng tránh, người chồng vẫn bị bánh xe chèn qua người và bị thương nặng, theo SCMP.
Người chồng bị vợ đâm tại một giao lộ trong thành phố. Ảnh: Sina.
Tại bệnh viện, người chồng được chẩn đoán gãy xương nghiêm trọng, nhiều vết thâm tím và chảy máu bên trong. Tuy nhiên, anh này cho biết những vết thương như vậy không phải là lần đầu. Hầu hết trong tất cả các cuộc cãi vã trước đó với vợ, anh đều phải chịu kết cục đau đớn vì người vợ ưa sử dụng bạo lực.
Người chồng từng suýt mất mạng sau khi bạn đời dùng dao đâm vào ngực và cũng từng mất nhiều máu vì bị vợ lấy chai bia vỡ đập vào đầu. Bất chấp bị đánh đập, người chồng cho biết luôn một lòng với vợ. Ngay cả khi đã xin ly hôn vì bị vợ đâm xe, người chồng vẫn mong tòa án có phán quyết khoan dung với vợ mình.
"Tôi là một người đàn ông coi trọng truyền thống. Cãi vã giữa vợ chồng là điều đáng xấu hổ và tốt hơn hết nên giữ kín trong nhà. Vì vậy tôi chọn cách chịu đựng. Nhưng sự nhường nhịn của tôi không mang lại êm ấm mà chỉ càng khiến bạo lực gia tăng", Sina dẫn lời của người chồng nói.
Chấn thương tâm lý của những người chồng bị vợ bạo hành
Tami Weissenberg bắt đầu mối quan hệ cùng vợ với suy nghĩ: "Mình có thể cưu mang cô ấy", song không ngờ cuộc hôn nhân lại mở ra quãng đời đau khổ. Ban đầu, đây là một mối quan hệ lành mạnh, cả hai ngày càng thân thiết. Mọi chuyện bắt đầu khi họ chuyển đến sống cùng nhau.
Người bạn đời của Weissenberg bắt đầu muốn kiểm soát anh về cả lời nói và hành động.
"Cô ấy muốn tôi nói với một quản lý khách sạn rằng nơi ông ấy đang làm việc trông như một bãi rác. Tôi từ chối và ra xe. Cô ấy bước vào, bắt đầu tát tôi và hét ầm lên", anh kể lại.
Ưu tiên hàng đầu của Weissenberg là làm hài lòng nửa kia của mình, tuân theo mọi quy tắc cô đặt ra, như chọn miếng trái cây nào cho cô ăn, cách lựa hoa quả, cách phục vụ.
"Nếu không làm tốt, tôi sẽ lĩnh một cú đánh vào đầu. Mọi thứ luôn như vậy: Làm tốt hoặc sẽ gặp rắc rối", Weissenberg nói.
Weissenberg chỉ là một trong hàng triệu đàn ông trên thế giới chịu cảnh bạo lực gia đình. Theo thống kê, cứ 9 người đàn ông thì có một người gặp tình trạng này trong mối quan hệ.
Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, nam giới bị vợ hoặc bạn gái bạo hành có thể gặp chấn thương tâm lý đáng kể, chẳng hạn rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), trầm cảm, suy nghĩ tự tử.
Dù hầu hết các vụ bạo hành gia đình được báo cáo do nam giới thực hiện, ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy độ phổ biến của hành vi lạm dụng với nạn nhân là đàn ông.
"Trước những kỳ thị xung quanh hình tượng 'đàn ông yếu đuối' trong các mối quan hệ lạm dụng này, các chuyên gia sức khỏe tâm thần cảnh báo không nên coi nhẹ nhu cầu điều trị của nam giới đã trải qua bạo lực", tiến sĩ tâm lý Anh Anna Randle cho biết.
Theo khảo sát đăng tải trên Psychology of Men & Masculinity, tỷ lệ rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) ở nam giới (do bạo lực gia đình) cao tương đương phụ nữ.
PTSD là những hồi tưởng mang tính thâm nhập, tái hiện sự kiện sang chấn quá mạnh trong quá khứ. Sự hồi tưởng này kéo dài hơn một tháng, bắt đầu trong vòng 6 tháng sau sự kiện. Triệu chứng bao gồm né tránh các kích thích liên quan đến sự kiện sang chấn, gặp ác mộng và ám ảnh. Nói chung, các sự kiện có thể dẫn đến PTSD thường gọi lên cảm giác sợ hãi, bất lực hoặc ghê rợn.
Nam giới bị PTSD nhiều khả năng cảm thấy tức giận, khó kiểm soát cơn giận hơn phụ nữ. Tình trạng này lâu dần làm suy giảm cả sức khỏe thể chất.
Trong nghiên cứu do tiến sĩ Denise Hines, Đại học Clark đứng đầu, các chuyên gia đã xem xét tình trạng tâm lý của 302 người đàn ông từng bị vợ, bạn gái bạo hành (về cả thể chất lẫn tinh thần). Họ gọi đây là "chủ nghĩa khủng bố thân mật", đặc trưng bởi các hành vi bạo lực hoặc kiểm soát.
Theo Gia đình & xã hội