Algeria-Morocco cắt đứt quan hệ ngoại giao: Giọt nước tràn ly

Hồng Vân| 30/08/2021 16:53

Báo Le Figaro mới đây đăng bài phỏng vấn Giáo sư Pierre Vermeren* cho rằng, quyết định của Algeria cắt đứt quan hệ ngoại giao với Morocco là hành động gây bất ngờ, đồng thời phản ánh tình hình chính trị nội bộ của nước này.

Hệ lụy từ sự cân bằng không ổn định trong quan hệ Algeria-Morocco
Quan hệ Algeria-Morocco đã căng thẳng trong nhiều thập kỷ qua, chủ yếu là do vấn đề Tây Sahara. (Nguồn: AFP)

Sự cân bằng không ổn định

Theo Giáo sư Pierre Vermeren - tác giả cuốn sách nổi tiếng Từ chiến tranh Algeria đến mùa xuân Arab, Algeria đang gia tăng các động thái thể hiện sự bất bình đối với nước láng giềng mà lâu nay nước này vẫn coi là nuôi thái độ thù địch.

Trong suốt thời gian dài, quốc gia này luôn cáo buộc Morocco đặc biệt ủng hộ Phong trào đòi tự trị Kabylia (MAK) - tổ chức chính trị nhỏ có trụ sở tại Paris và bị xem là cái gai trong mắt chính quyền.

Về học thuyết chính trị, xưa nay Algeria theo chủ nghĩa Jacobi thuần túy. Do vậy, quyền tự chủ về văn hóa và ngôn ngữ của các phong trào Kabylia luôn là vấn đề nan giải ở đất nước này.

Kabylia, vùng đất lịch sử nằm ở phía Bắc Algeria và là nơi tập trung tộc người thiểu số Berber, gần đây đã hứng chịu nhiều vụ cháy rừng chưa thể dập tắt, khiến hàng chục người thiệt mạng.

Khu vực vốn tiềm ẩn nhiều căng thẳng này đang chìm sâu vào khủng hoảng. Những đám cháy thảm họa là cái cớ để Algeria buộc tội Morocco xúi giục gây căng thẳng tại khu vực này và cắt đứt quan hệ ngoại giao song phương.

Tháng 7 vừa qua, thậm chí một quan chức Morocco đã công khai bày tỏ mong muốn quyền tự trị cho người Kabylia.

Tuyên bố được đưa ra vài ngày trước khi xảy ra các vụ cháy rừng và Algeria lấy đó làm lập luận cho sự liên đới của Morocco. Đây được coi là một giả định thiếu căn cứ và sâu xa hơn là một toan tính chính trị.

Trong suốt ba thập kỷ qua, dư luận đã quá quen với những tuyên bố gay gắt hoặc thù địch, cũng như những lần ăn miếng trả miếng giữa hai quốc gia này.

Nhưng nếu lần này Algeria tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Morocco, nhiều khả năng đó là vì Algiers cho rằng, Rabat đã phá vỡ sự cân bằng không ổn định vốn có đó.

Mặt khác, Algeria vừa thoát khỏi Hirak, phong trào biểu tình được phát động vào tháng 2/2019, cho dù nguyên nhân kìm hãm các cuộc biểu tình là khủng hoảng Covid-19.

Các cuộc bầu cử lập pháp, vốn không thu hút được sự tham gia của cử tri Algeria, đã không giúp xóa bỏ những nghi ngờ của người dân về tính hợp pháp của chế độ.

Nguyên nhân sâu xa nằm ở ý thức hệ

Về ý thức hệ, các quốc gia Arab thường coi mình là các nước anh em, ngoại trừ trường hợp một trong số họ phản bội chính nghĩa của người Arab và Palestine, chẳng hạn bằng cách duy trì quan hệ ngoại giao với Israel.

Đó là trường hợp của Ai Cập thời Anouar el-Sadate, người đã bị tẩy chay kịch liệt trong thế giới Arab.

Thỏa thuận bốn bên giữa Morocco, Israel, các quốc gia quân chủ Arab vùng Vịnh và Mỹ được ký đầu năm nay đã làm suy yếu vị thế của Algeria và vị thế của Polisario, phong trào độc lập phản đối Morocco giành quyền kiểm soát Tây Sahara từ năm 1976, do Mỹ đã xác nhận lựa chọn một Tây Sahara thuộc về Morocco, và Washington vẫn không thay đổi lập trường khi Tổng thống Joe Biden bước vào Nhà Trắng.

Cắt đứt quan hệ ngoại giao với Morocco là hành động phản ứng đối với thỏa thuận này cũng như với việc Morocco công nhận Israel để mở đường cho các hoạt động thương mại giữa hai nước hoặc thành lập các hãng hàng không của hai bên.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Israel đã đưa ra những bình luận thù địch với Algeria.

Chính quyền Algeria đã sử dụng thỏa thuận nói trên và các tuyên bố của đại diện ngoại giao Israel để tuyên truyền về chủ đề thống nhất của người Arab, chủ nghĩa dân tộc Arab, tình đoàn kết với người Palestine và tái khẳng định mong muốn duy trì “chiến tuyến” chống Israel mà Morocco bị cáo buộc đã phá vỡ.

Tóm lại, đó là một vấn đề rất phức tạp, chồng chéo và hòa trộn nhau, gồm Tây Sahara, Morocco, Israel, chủ nghĩa dân tộc Arab…

Mục tiêu của Algiers cũng là chứng minh cho người dân thấy rằng, chính quyền không phản bội họ và tiếp tục cảnh giác với các nguyên tắc cơ bản.

Thực ra, Morocco không muốn Kabylia giành độc lập, mà chỉ có quyền tự trị. Cũng cần nói rằng, MAK không phải là phong trào độc lập Kabylia, chỉ là phong trào tự trị.

Morocco đã ủng hộ những người ly khai ở Kabylia trong nhiều năm và điều này cho phép Rabat đáp trả tương tự Algiers bằng cách nói rằng: “Vì các ngài cho rằng người Sahrawi, cư dân Tây Sahara, phải được độc lập, cho nên chúng tôi cũng cho rằng người Kabylia phải được tự chủ”. Đây là một phản ứng hiếu chiến nhưng cũng dễ hiểu.

Có khả năng Chiến tranh Lạnh?

Bên cạnh đó là vụ bê bối Pegasus, phần mềm gián điệp do một công ty Israel phát triển và được nhiều quốc gia sử dụng, trong đó có Morocco.

Đối với Algiers, vụ Pegasus củng cố niềm tin rằng, do muốn xích lại gần Morocco, Israel đã dính líu đến âm mưu chống Algeria. Thực tế, việc các quan chức Algeria bị các cơ quan tình báo Morocco nghe lén là có thật.

Vậy với những gì đang diễn ra, liệu có khả năng xảy ra tình trạng Chiến tranh Lạnh giữa Algeria và Morocco?

Thực tế Chiến tranh Lạnh đã diễn ra. Quan hệ giữa hai nước vốn đã rất tồi tệ, biên giới trên bộ đóng cửa, không có trao đổi khách du lịch cũng như dòng chảy tài chính.

Các cơ quan tình báo của hai nước từng có những trao đổi, đặc biệt là trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo, đang đứng trước nguy cơ ngừng hợp tác với nhau.

Tình trạng đó sẽ càng khiến các căng thẳng trong Liên minh châu Phi trở nên trầm trọng hơn, bởi các nước thành viên sẽ bị đẩy vào tình trạng phải lựa chọn đứng về phía bên này hay bên kia.

Nguy cơ hiện hữu trước mắt là nếu xảy ra các sự cố ở biên giới, chẳng hạn biên giới Mauritania, hai bên sẽ không còn kênh ngoại giao nào để giải quyết.


*Giáo sư Pierre Vermeren giảng dạy tại Đại học Paris-I Panthéon-Sorbonne, là chuyên gia về xã hội Berber và Arab đương đại.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Algeria-Morocco cắt đứt quan hệ ngoại giao: Giọt nước tràn ly
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO