Al-Qaeda: Nhóm khủng bố học được bí mật 'trường tồn' với thời gian?

Khánh Vy| 11/09/2021 19:45

Nhờ khả năng linh hoạt, biết cách thay đổi theo thời thế, sau 33 năm, tổ chức khủng bố al-Qaeda, kẻ đứng sau vụ khủng bố 11/9 vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn.

Khi 19 tên không tặc tiến hành kế hoạch khủng bố ngày 11/9/2001, cướp đi sinh mạng của 2.977 người, phá hủy tòa tháp đôi và tấn công Lầu Năm Góc, thế giới đã chứng kiến vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử.

Kể từ đó, những khái niệm như khủng bố, Hồi giáo cực đoan, thánh chiến, và cả những cái tên như al-Qaeda hay Osama bin Laden chính thức được biết đến một cách rộng rãi trên quy mô toàn cầu.

Thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden. Ảnh: AP
Thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden. (Nguồn: AP)

Nguồn gốc của al-Qaeda

Trước khi Trung tâm Thương mại Thế giới và một phần của Lầu Năm Góc sụp đổ, rất ít người Mỹ đã từng nghe đến cái tên al-Qaeda.

Trên thực tế, al-Qaeda xuất hiện từ cuối những năm 1980 và được biết đến là một mạng lưới khủng bố quốc tế, thành lập bởi Osama bin Laden. Đây là một tổ chức gồm tập hợp những người Hồi giáo dòng Sunni với hệ tư tưởng dựa trên những yếu tố mang tính cực đoan. Mạng lưới này được dẫn dắt với lý tưởng chống lại sự hiện diện của nước ngoài, cụ thể là Mỹ, tại các vùng đất thiêng liêng của đạo Hồi.

Theo các chuyên gia, sự phản đối dữ dội của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đối với Mỹ xuất phát từ sự ủng hộ của Mỹ dành cho các chính phủ Israel, Arab Saudi, Ai Cập,…

Trong bối cảnh đó, năm 1998, bin Laden tuyên bố một cuộc thánh chiến chống lại nước Mỹ, hạ lệnh cho người Hồi giáo giết người Mỹ, bao gồm cả thường dân tại bất kỳ đâu trên thế giới, biến nước Mỹ trở thành mục tiêu trung tâm của chiến dịch này.

Để thực hiện mục tiêu đó, dưới sự bảo vệ của Taliban, Osama bin Laden trở về Afghanistan và huấn luyện quân sự cho hàng nghìn chiến binh Hồi giáo nổi dậy.

Trước sự kiện 11/9, tổ chức al-Qaeda từng dính líu tới rất nhiều các vụ đánh bom khác nhau tại Yemen, Tanzania, Kenya và Trung tâm Tài chính Thế giới tại New York năm 1993.

Kể từ sau vụ tấn công 11/9, các cuộc chiến chống khủng bố trên quy mô quốc tế khiến nguồn lực của Al-Qaeda suy giảm đáng kể. Nhiều cựu thủ lĩnh của al-Qaeda bị bắt hoặc bị giết, một số khác trốn sang Pakistan hoặc Iran.

Tuy nhiên, số lượng các vụ đánh bom được thực hiện bởi al-Qaeda hoặc bởi các nhóm khủng bố nhỏ lẻ khác vẫn ngày càng tăng. Chúng thường được tổ chức nhằm vào các thành phố tại châu Âu như Madrid (2004), London (2005) hay Paris (2015).

Thời kì hậu Osama bin Laden

Sau sự kiện 11/9, bin Laden đứng đầu danh sách 10 nhân vật bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) truy lùng trên toàn thế giới. Chiến dịch truy lùng trùm khủng bố của Mỹ vô cùng vất vả và kéo dài cả thập kỷ. Bin Laden được cho là ẩn náu tại khu vực các bộ tộc hẻo lánh, nằm giữa biên giới hiểm trở Afghanistan-Pakistan, khiến lực lượng đặc nhiệm Mỹ không ít lần bắt hụt.

Cho tới đêm 1/5/2011, Tổng thống Barack Obama tuyên bố với toàn thể người dân Mỹ rằng trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị các lực lượng Mỹ tiêu diệt, "công lý đã được thực thi".

Kể từ đó, hệ thống tài chính của al-Qaeda và nhóm vũ trang mới thực sự gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động ở vùng núi biên giới giữa Pakistan và Afghanistan. Sự cạnh tranh gắt gao giữa các tổ chức khủng bố khác nhau cũng gây ra một áp lực lớn lên mạng lưới này.

Osama bin Laden và Ayman al-Zawahiri trong một lần cùng xuất hiện. (Nguồn: Reuters)
Osama bin Laden và Ayman al-Zawahiri trong một lần cùng xuất hiện. (Nguồn: Reuters)

Nhưng sau đó, al-Qaeda đã cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của mình, với sự xuất hiện của thủ lĩnh mới Sheikh Ayman al-Zawahiri. Tuy rằng nhân vật lãnh đạo mới không được yêu thích trong al-Qaeda nói riêng và phong trào thánh chiến nói chung, nhưng al-Zawahiri đã ngay lập tức thể hiện một tài năng chiến lược tài tình nhờ khả năng học hỏi từ những kinh nghiệm trong quá khứ.

Al-Qaeda mới đã không coi kẻ thù ở xa, tức các nước phương Tây, là ưu tiên nữa, một phần vì những cuộc tấn công như vậy sẽ tốn rất nhiều nguồn lực và gây ra các phản ứng tiêu cực, khiến nhóm lại một lần nữa rơi vào tầm ngắm và dễ bị tiêu diệt hoàn toàn. Al-Zawahiri đã điều hướng tổ chức này ra khỏi học thuyết “chỉ có thánh chiến” và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ với các cộng đồng Hồi giáo.

Nếu al-Qaeda có thể cung cấp bảo đảm về an ninh, thậm chí là quản trị, thì tổ chức này có thể có thêm sự hỗ trợ và mở rộng phạm vi hoạt động của mình. Chiến lược mới đã sớm mang lại kết quả, tổ chức này đã thiết lập một mạng lưới gồm các chi nhánh tại rất nhiều nơi trên thế giới. Không chỉ dừng lại ở Afghanistan, Pakistan, mạng lưới của nhóm đã vươn tới Syria, Iraq, Yemen, châu Phi, và cả khu vực Nam Á.

Thậm chí, một nhánh của al-Qaeda tại Iraq đã tự tách ra để trở thành “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Cận Ðông" (ISIL), hay còn được biết đến với tên gọi “Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng”. Tuy nhiên, IS đã bất bình với khả năng lãnh đạo và học thuyết của al-Zawahiri, nên đã tuyệt giao quan hệ với al-Qaeda và mang đến biết bao đau thương cho thế giới.

Cuộc chiến còn dang dở

Chiến thắng nhanh chóng đến kinh ngạc của các tay súng Taliban chắc chắn sẽ tạo ra cú hích to lớn cho các phần tử Hồi giáo cực đoan ở khắp mọi nơi, bất kể là al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS), các chiến binh ở Mozambique và Syria, hay các phần tử thánh chiến đang âm mưu hành động ở Birmingham hoặc Manila.

Trong tháng 6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có đưa ra báo cáo đánh giá các lãnh đạo cấp cao của Al-Qaeda vẫn hiện diện tại Afghanistan cùng hàng trăm tay súng. Báo cáo nhận định rằng Taliban vẫn khá thân thiết với al-Qaeda dựa trên lịch sử cùng chia sẻ khó khăn và chung hệ tư tưởng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng cảnh báo, nhóm khủng bố cực đoan al-Qaeda từng sử dụng Afghanistan làm cơ sở tấn công Mỹ 20 năm trước đây sẽ có thể tìm cách trỗi dậy sau khi Mỹ rút quân và Taliban nắm quyền kiểm soát ở nước này.

Theo một thỏa thuận đạt được với chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm ngoái, Taliban sẽ không cho phép các chiến binh al-Qaeda sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tấn công Mỹ. Tuy nhiên trên thực tế, rất khó để đánh giá việc Taliban sẽ tôn trọng cam kết này đến mức nào.

Bên cạnh đó, cách xa Afghanistan gần 3200 km, al-Qaeda vẫn đang lợi dụng cuộc nội chiến hỗn loạn ở Yemen nhằm lên kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ và đồng minh mà không hề bị trừng phạt.

Như vậy, mặc cho những nỗ lực chống khủng bố toàn cầu, các phần tử cực đoan vẫn tồn tại tại nhiều khu vực trên thế giới. Thật khó để khẳng định rằng thế giới chúng ta đang sống đã trở nên an toàn hơn so với thế giới của 20 năm trước. Vì vậy, thế giới vẫn cần sẵn sàng cho một cuộc chiến trường kỳ.

Nhờ khả năng linh hoạt, biết cách thay đổi theo thời thế, do vậy sau 33 năm, al-Qaeda dù đã suy yếu rất nhiều so với khi thực hiện vụ khủng bố ngày 11/9 nhưng đến nay, tổ chức này vẫn đứng vững.

Thủ lĩnh al-Zawahiri hoặc đang rất ốm yếu, hoặc có thể đã chết, nhưng không ai biết được liệu thế hệ lãnh đạo sau này là ai và sẽ làm những gì. Nhưng lịch sử cho thấy rằng, để thực sự xóa sổ được al-Qaeda sẽ là một bài toán vô cùng khó khăn.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Al-Qaeda: Nhóm khủng bố học được bí mật 'trường tồn' với thời gian?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO