Như VietTimes từng đề cập, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 (AGM 2021) lần thứ 2 của Eximbank đã bầu ra được 7 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) cho nhiệm kỳ mới, bao gồm: ông Võ Quang Hiển, ông Nguyễn Hiếu, bà Lê Hồng Anh, ông Đào Phong Trúc Đại, bà Lương Thị Cẩm Tú, bà Đỗ Hà Phương và ông Nguyễn Thanh Hùng.
Nút thắt nhân sự nơi thượng tầng được giải quyết phát đi những tín hiệu tích cực cho Eximbank.
Tuy nhiên, việc nhiều nghị quyết không được đại hội cổ đông thông qua cho thấy mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn tại Eximbank vẫn còn. Nổi bật là hai nhóm cổ đông nội, giữa một bên ủng hộ liên minh G3 và một phe ủng hộ nhóm G6 ở HĐQT cũ.
ĐHĐCĐ Eximbank, G3 và G6
Lật lại trước thềm AGM 2021. HĐQT Eximbank đã nhận được văn bản kiến nghị của hai nhóm cổ đông.
Nhóm thứ nhất - bao gồm: CTCP Rồng Ngọc; CTCP Đầu tư và dịch vụ Helios; CTCP Thắng Phương; Thái Thị Mỹ Sang; Lưu Như Trân – đề nghị miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) là ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết và ông Ngô Thanh Tùng.
Nhóm thứ hai – bao gồm: Education Management Holdings Limited; Lafelle Limited; ông Nguyễn Tiến Dũng; ông Trần Công Cận – đề nghị miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT khác, là ông Hoàng Tuấn Khải, ông Đặng Anh Mai và bà Lương Thị Cẩm Tú.
CTCP Rồng Ngọc, CTCP Thắng Phương và bà Thái Thị Mỹ Sang lần lượt là những cổ đông đề cử bà Đỗ Hà Phương, ông Nguyễn Thanh Tùng và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Trong khi đó, Education Management Holdings Limited, Lafelle Limited và nhóm cổ đông liên quan tới Thành Công Group để cử ông Nguyễn Hiếu, bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ mới.
Có thể thấy, cơ cấu HĐQT nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) của Eximbank cơ bản vẫn phân lập thành hai nhóm chính, mỗi nhóm chia nhau giữ 3 “ghế”. Lúc này, lá phiếu của thành viên đến từ Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – ông Võ Quang Hiển - sẽ mang tính chất quyết định.
Mà SMBC, như đã thể hiện trong nhiệm kỳ qua, họ không thực sự nghiêng về phe nào. Tuỳ giai đoạn với tuỳ mục tiêu, lúc họ nghiêng về phía bên này, khi lại ngả về phe kia.
Từng sắm vai nhà đầu tư chiến lược, đặt nhiều tâm huyết và kỳ vọng ở Eximbank nhưng đến lúc này, có lẽ SMBC đã "hết yêu". Cách đây ít hôm, hai bên vừa thông báo chấm dứt trước thời hạn thoả thuận liên minh chiến lược đã ký 15 năm trước - ngày 27/11/2007. Động thái được xem là bước dọn đường cho SMBC đến với "tình mới", được tin là VPBank.
Nhưng trước khi đến với tình mới, nhà đầu tư Nhật Bản này phải dứt điểm được với "tình cũ", cụ thể là triệt thoái được 15% cổ phần EIB hiện đang nắm giữ.
Trên cơ sở tính toán ấy, đại diện của SMBC trong HĐQT Eximbank hẳn sẽ lựa chọn bỏ phiếu cho nhóm nào "hỗ trợ" được họ trong mục tiêu thoái vốn. Cũng không loại trừ khả năng, SMBC đã tìm được người mua cho 15% vốn EIB này. Khi đó, hẳn ông Hiển sẽ bỏ phiếu theo mong muốn của người mua tiềm năng.
Một kịch bản khác, trong trường hợp 2 nhóm cổ đông lớn không thể thoả hiệp, một giải pháp trung gian - lựa chọn đại diện SMBC làm Chủ tịch HĐQT - có thể tính đến. Nhắc lại là, ở AGM vừa qua, ông Võ Quang Hiển là người nhận được số phiếu bầu cao nhất - vượt trội hẳn so với các đại diện của 2 phe còn lại.
Theo nguồn tin của VietTimes, chiều nay (16/02), tân HĐQT Eximbank sẽ họp phiên đầu tiên. Tại phiên họp, các thành viên sẽ tiến hành bầu Chủ tịch HĐQT tân nhiệm kỳ.
"Tình hình còn phức tạp lắm" - một vị nói ngắn gọn với PV.
Cùng chờ xem ai sẽ trở thành tân Chủ tịch Eximbank (!?)./.