Công ty CP Tập đoàn Yeah1 (YEG) vừa có thông báo về ngày trở thành cổ đông lớn, nhà đầu tư nắm giữ trên 5% vốn doanh nghiệp của bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Cụ thể, Yeah1 cho biết bà Uyên Phương - cổ đông sở hữu 784.406 cổ phiếu YEG (2,51%) - đã thực hiện giao dịch mua gần 3,7 triệu cổ phiếu trong ngày 10/1, nâng lượng cổ phiếu nắm giữ tại doanh nghiệp lên mức 4,48 triệu đơn vị, tương đương 14,33% vốn điều lệ.
Như vậy, sau hàng loạt giao dịch thoái vốn từ tháng 7/2021, bà Phương đã quay trở lại làm cổ đông lớn của Yeah1.
Đáng chú ý, lượng cổ phiếu bà Phương mua vào đúng bằng lượng cổ phiếu ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Yeah1, bán thỏa thuận trong phiên 10/1. Trong đó, giá trị của giao dịch này là hơn 81,3 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 22.000 đồng/cổ phiếu.
Với việc số lượng cổ phiếu YEG khớp lệnh trong phiên 10/1 chỉ hơn 1 triệu đơn vị, toàn bộ lượng cổ phiếu bà Phương mua vào kể trên đều do chủ tịch Yeah1 chuyển nhượng sang.
Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, trở thành cổ đông lớn nhất tại Yeah1. Ảnh: TTXVN. |
Sau giao dịch, ông Tống giảm sở hữu tại doanh nghiệp của mình từ 7,7 triệu cổ phiếu (24,72%) xuống còn hơn 4 triệu cổ phiếu (12,9%) và bà Trần Uyên Phương đã trở thành cổ đông lớn nhất tại Yeah1.
Trước giao dịch thoái vốn của chủ tịch, một lãnh đạo cấp cao khác tại Yeah1 là ông Đào Phúc Trí, Tổng giám đốc, cũng thoái hơn 1,1 triệu cổ phiếu khỏi doanh nghiệp này.
Trong đó, giao dịch của ông Trí cũng được thực hiện bằng phương thức thỏa thuận trong ngày 27/12/2021, giá trị hơn 23,7 tỷ đồng. Sau giao dịch, ông Trí giảm tỷ lệ sở hữu tại Yeah1 từ 4,78% xuống 1,1%.
Thực tế, đây cũng không phải lần đầu bà Uyên Phương mua cổ phiếu YEG từ lãnh đạo Yeah1.
Đầu năm 2020, con gái ông chủ Tân Hiệp Phát đã chi gần 299 tỷ đồng để mua lại thỏa thuận hơn 6 triệu cổ phiếu YEG từ chủ tịch và tổng giám đốc Yeah1 và lần đầu trở thành cổ đông lớn tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu YEG lao dốc liên tục từ giai đoạn này đã khiến bà Uyên Phương phải liên tục bán ra cổ phiếu với mức cắt lỗ 65-70% giá gốc đầu tư.
Sau 11 giao dịch bán ra liên tiếp kéo dài từ cuối tháng 7/2021, cổ đông này đã bán gần 6 triệu cổ phiếu YEG, giảm tỷ lệ sở hữu tại đây từ mức 21,61% xuống 2,47%.
Trên thị trường chứng khoán, thị giá YEG đang ghi nhận diễn biến tăng mạnh 3 phiên gần đây, hiện phổ biến giao dịch ở mức 23.300 đồng/cổ phiếu, tăng 6% so với giá bà Uyên Phương mua vào.
KẾT QUẢ KINH DOANH GẦN ĐÂY CỦA YEAH1 | ||||||||||||
Nguồn: BCTC DN | ||||||||||||
Nhãn | I/2019 | II | III | IV | I/2020 | II | III | IV | I/2021 | II | III | |
Lợi nhuận sau thuế | tỷ đồng | 8 | -112 | -128 | -140 | 6 | 0.7 | 13 | -80 | -53 | -145 | -57 |
Tạm tính theo mức giá này, giao dịch mới nhất của bà Phương đang có lợi nhuận khoảng 4,8 tỷ đồng.
Dù đang trong xu hướng phục hồi và đã tăng 45% trong 6 tháng đã qua, tuy nhiên, tính trong 1 năm gần nhất, cổ phiếu YEG vẫn giảm gần 50% thị giá.
Nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu liên tục lao dốc là tình hình kinh doanh kém khả quan của doanh nghiệp.
Theo báo cáo tài chính quý III/2021, Yeah1 chỉ ghi nhận 277 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý, giảm 35% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp này lỗ ròng 57 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi dương 13 tỷ.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, Yeah1 đạt 878 tỷ doanh thu thuần, tương đương so với cùng kỳ năm trước nhưng lại báo lỗ ròng tới 254 tỷ đồng.
Theo lý giải của ban lãnh đạo Yeah1, nguyên nhân khiến công ty lỗ nặng là do các mảng kinh doanh đều gặp khó khăn, đặc biệt là mảng thương mại đa kênh (bán lẻ) bị ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch Covid-19.
Điều này khiến giá vốn tăng cao, đồng thời các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh khiến Yeah1 rơi vào tình trạng thu không đủ bù chi và thua lỗ lớn.