Chồng cứ luôn tay, hết việc này đến việc khác (ảnh minh họa) |
Thăm bạn sau thời gian dài không gặp, tôi mừng vì bạn có cơ ngơi khang trang. Trái với sự thảnh thơi của bạn suốt buổi trà chiều, chồng bạn cứ tất bật hết việc này đến việc khác: lau nhà, phơi đồ, đưa đón con đi học, rồi nấu cơm... Vợ cần gì chỉ cất giọng “anh ơi…”, anh chồng lập tức có mặt. Thi thoảng, anh đến chỗ chúng tôi tươi cười: "Có cần gì thì nói anh...".
Thấy tôi ái ngại, bạn nói: “Ảnh quen rồi, cứ ngồi chơi thoải mái. Mình đi làm kiếm tiền cả ngày mệt muốn chết, không có thời gian làm gì hết”. Tôi thắc mắc thì cô bạn tỏ thái độ: “Ổng cũng đi làm, nhưng chẳng đâu vào đâu, lương ba cọc ba đồng, đỡ được tiền điện nước thôi. Mình mới là người phải lo hết cái gia đình này...”.
Tôi chợt hiểu kiểu “vợ chúa chồng tôi” khi phụ nữ là trụ cột về kinh tế. Nhưng cũng hiếm anh đàn ông nào tận tụy, và “phép tắc” với vợ như chồng của bạn. Minh chứng ở vài lần khác tôi ghé nhà bạn chơi thì cũng thấy anh ngần ấy công việc, có khách, anh tất bật phục vụ hơn.
Khi anh ra ngoài vui chơi với bạn bè, vợ nói "uống 2 lon bia thôi nhé" là anh chỉ uống đúng “quota” được cấp. Không chỉ vậy, bạn bè muốn mời anh đến nhà chơi phải gọi xin cô vợ, lúc đó anh mới được “cấp phép”.
Ngay việc anh tham gia thể thao trong nhóm bạn bè, cũng phải được vợ đồng ý kèm theo quy tắc: đảm bảo giờ giấc, không trễ quá 15 phút. Nếu không sẽ bị “cảnh cáo” hoặc... không có lần sau.
Tôi chợt nhớ đến nhân vật Nhuận trong bộ phim Nhà bà Nữ. Sống phụ thuộc vào vợ và nhà vợ vì bản thân không làm ra tiền, vậy nên khi có cơ hội anh ta “bộc phát” và dẫn đến gia đình tan vỡ - điều mà cô vợ luôn nghĩ vì nhu nhược và phụ thuộc kinh tế nên anh chồng không bao giờ dám bỏ đi.
Tôi chia sẻ với cô bạn về góc nhìn của mình. Phim và đời lắm khi không xa nhau mấy, song bạn tôi tuyên bố chắc nịch: “Còn lâu ổng dám bỏ vợ!”.
Tương tự, anh K.N. (quận 6, TPHCM), vốn có tính gia trưởng, nay càng khắc nghiệt hơn khi vợ mất việc, ở nhà trông con. Chị vợ anh chia sẻ: "Dùng tiền của chồng làm ra lúc nào tôi cũng phải tính toán chi li để tiết kiệm". Thế nhưng, khi mình cần đưa thêm thì ổng tuôn những câu như: “Sao tiền mau hết vậy?”, “Lại mua sắm linh tinh” hay “Chi tiêu tiết kiệm lại...”.
Chị nói trong nước mắt: “Nhiều lúc mình ham đi chợ mua mấy thứ lặt vặt, vì giảm chi phí được chút nào hay chút đó. Sữa hay đồ ăn của con mới mua siêu thị cho an toàn. Cá thịt ngoài chợ tươi ngon, mua mớ rau ngoài chợ cũng tiện...”. Vậy mà anh chồng làm khó khi yêu cầu chị gom hóa đơn siêu thị cho anh dò giá cả.
Chị đề xuất anh thử một lần đi siêu thị hay đi chợ để hiểu tình hình thị trường, anh vặn lại rằng anh nhiều việc, đi làm mệt lại còn kham việc nội trợ được sao!
Ngày nay, tề gia để lo cho 1 gia đình 4 miệng ăn không phải chuyện đơn giản, nhất là thời điểm vật giá leo thang. Vì vậy, người kiếm tiền cũng như người dùng tiền đều phải cân đong đo đếm sao cho con cái nhà cửa đủ đầy, chưa kể đám tiệc, bệnh đau... Một bữa cơm 30 hay 50 ngàn đồng được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội, thực chất chỉ là dành cho 1-2 người lớn. Nếu gia đình có trẻ con, người già, người bệnh... thì việc ăn uống qua loa làm sao đảm bảo.
Vật giá leo thang khiến các bà nội trợ đau đầu khi chi tiêu |
Kiếm tiền vất vả, nhưng việc nội trợ vất vả không kém với hàng tá việc không tên và nhức đầu, chứ không đơn thuần là nấu ăn, giặt giũ. Khi cuộc sống bắt chúng ta hoán đổi vai, hãy dành cho nhau sự tôn trọng nhất định.
Huỳnh Đông