Trận động đất mạnh 6,1 độ richter xảy ra ở Afghanistan hôm 22/6 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người và khiến hơn 600 người khác bị thương. Tuy nhiên, số người thương vong được cho vẫn sẽ tiếp tục gia tăng, do nhiều ngôi làng nằm ở vùng hẻo lánh vẫn chưa được lực lượng cứu hộ tiếp cận.
Những bức ảnh được truyền thông Afghanistan đăng tải cho thấy, nhiều ngôi nhà bị phá hủy, thi thể các nạn nhân được quấn trong chăn và để trên nền đất.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu người đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Hoạt động cứu hộ cũng vô cùng khó khăn do nhiều yếu tố tác động như mưa lớn, sạt lở đất, và nhiều ngôi làng nằm ở các vùng đồi không thể tiếp cận được
“Nhiều người vẫn đang bị chôn vùi dưới đất đá. Lực lượng cứu hộ Afghanistan đã tới hiện trường và hỗ trợ người dân tìm kiếm nạn nhân tử vong và người bị thương”, Reuters dẫn lời một nhân viên y tế giấu tên ở bệnh viện tỉnh Paktika, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ trận động đất mạnh 6,1 độ richter.
Hoạt động cứu hộ trở thành bài kiểm tra quy mô lớn đối với chính quyền Taliban, lực lượng phiến quân nắm quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 8/2021, sau 20 năm quốc gia Nam Á rơi vào chiến tranh. Hiện tại, phần lớn các hoạt động cứu trợ nhân đạo của cộng đồng quốc tế cho Afghanistan cũng đã bị dừng, kể từ khi Taliban lên nắm quyền. Bộ Quốc phòng của chính quyền Taliban đang là lực lượng dẫn đầu công tác cứu hộ sau thảm họa động đất.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc cũng đã điều động nhiều nhóm y tế và hỗ trợ vật tư y tế cho Afghanistan.
Những người bị thương sau trận động đất được chuyển lên trực thăng đi cấp cứu. (Ảnh: Reuters) |
Ông Salahuddin Ayubi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ của chính quyền Taliban, cho hay số người chết có thể còn gia tăng “bởi một số ngôi làng nằm ở vùng xa xôi hẻo lánh trong núi, cũng như cần có thêm thời gian để thu thập thông tin chi tiết”.
Trận động đất hôm 22/6 là thảm họa thiên nhiên khủng khiếp nhất xảy ra ở Afghanistan kể từ năm 2002. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), vụ động đất trải dài khoảng 44 km từ thành phố Khost của Afghanistan nằm gần biên giới Pakistan.
Khoảng 119 triệu người ở Pakistan, Afghanistan và Ấn Độ cảm nhận được sự rung lắc từ trận động đất. Song chưa có báo cáo cụ thể về con số thương vong và thiệt hại vật chất ở Pakistan.
Vào năm 2015, một trận động đất xảy ra ở vùng hẻo lánh phía đông bắc của Afghanistan cũng đã khiến vài trăm người ở Afghanistan và phía bắc Pakistan thiệt mạng.
Các chuyên gia ứng phó thảm họa và nhân viên cứu trợ nhân đạo cho hay, những khu vực đồi núi nghèo khó rất dễ bị tổn thương do động đất bởi tình trạng sạt lở đất, và những căn nhà chỉ được xây tạm bợ càng khiến thiệt hại về vật chất gia tăng.
“Chúng tôi đều đang ngủ trong nhà và cả căn phòng đổ sập xuống người chúng tôi”, anh Gul Faraz, người được đưa vào bệnh viện ở Paktika cùng vợ và con để điều trị vết thương nói.
Theo anh Faraz, một vài thành viên trong gia đình cũng đã tử vong sau trận động đất.
“Toàn bộ những căn nhà ở khu vực chúng tôi sống đều đã bị phá hủy không trừ một nhà nào, và cả khu vực cũng bị tàn phá”, anh Faraz cho hay.
Khu vực có đông người tử vong nhất sau trận động đất là ở tỉnh Paktika, nơi 255 người đã thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương. Còn tại tỉnh Khost, 25 người đã chết và 90 người khác được đưa vào bệnh viện.
Thêm một thách thức đặt ra cho chính quyền Taliban là việc gần đây nhiều khu vực ở Afghanistan bị ngập lụt khiến các con đường cao tốc bị chặn.
Sau khi Taliban lên nắm quyền, Afghanistan nhanh chóng rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng do nhiều nước quyết định áp đặt lệnh trừng phạt với ngành ngân hàng của nước này, cũng như cắt viện trợ hàng tỉ USD.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Afghanistan cho hay, Taliban chào đón những nỗ lực hỗ trợ của cộng đồng quốc tế sau thảm họa động đất.
Nhà Trắng thông báo Tổng thống Joe Biden cũng đã chỉ đạo Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ cùng các đối tác khác của chính phủ liên bang đánh giá về phương án hỗ trợ của Mỹ cho Afghanistan.
Minh Thu (lược dịch)