Ác mộng COVID-19 trở lại, nhiều nước đồng loạt phong tỏa

01/11/2020 21:50

Các nước châu Á - Thái Bình Dương đã cơ bản khống chế được COVID-19 và đang chờ đợi vaccine, những các nền kinh tế lớn của phương Tây vẫn chìm trong khủng hoảng.

Làn sóng lây nhiễm virus thứ hai đang bùng phát và lan rộng tại nhiều nước châu Âu. Số ca nhiễm mới hàng ngày ghi nhận tại lục địa già hiện cao hơn Mỹ, Brazil hay Ấn Độ - những ổ dịch lớn của thế giới.

Một số quốc gia tại châu Âu đang chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 tăng trở lại sau khi các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế xuất nhập cảnh được nới lỏng.

Ác mộng COVID-19 trở lại, nhiều nước đồng loạt phong tỏa - 1

Châu Âu đang chứng kiến sự gia tăng trở lại của số ca nhiễm Covid-19 mới. (Ảnh: Reuters)

Phong tỏa nghiêm ngặt trở lại

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 31/10 công bố các biện pháp phong tỏa mới kéo dài một tháng trên khắp nước Anh bắt đầu có hiệu lực vào ngày 5/11. Đây được cho là động thái bất thường vì trước đó ông Johnson một mực phản đối biện pháp cứng rắn này.

Theo các biện pháp mới, cửa hàng và địa điểm không thiết yếu, cũng như quán rượu và nhà hàng, sẽ đóng cửa. Các trường học, cao đẳng và đại học sẽ vẫn mở cửa.

Công chúng sẽ được yêu cầu chỉ rời khỏi nhà vì những lý do cụ thể, chẳng hạn như đi làm nếu không thể làm từ xa, mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm, tập thể dục, đi khám bệnh hoặc chăm sóc những người dễ bị ảnh hưởng.

Theo giới chức y tế Anh, hiện số bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 tại nước này cao hơn so với hồi tháng 3, thời điểm các quy định cách ly xã hội được áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Ác mộng COVID-19 trở lại, nhiều nước đồng loạt phong tỏa - 2

Thủ tướng Anh phát biểu trong cuộc họp báo ngày 31/10 công bố thời hạn phong tỏa mới. (Ảnh: Reuters)

Trước Anh, Bỉ là quốc gia châu Âu gần đây nhất công bố việc quay lại thời kỳ phong tỏa để ngăn COVID-19. Các doanh nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa và người lao động phải làm việc từ xa nếu có thể.

Người dân chỉ được đón một vị khách tới nhà và chỉ được đi ra ngoài trong nhóm tối đa bốn người. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo ngày 30/10 công bố các biện pháp phong tỏa mới sẽ bắt đầu vào ngày 2/11 và kéo dài trong ít nhất "một tháng rưỡi".

Số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Pháp và Hà Lan đã chạm đỉnh sau khi kết thúc tuần đầu tiên của tháng 10, cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

Tại Mỹ, bất chấp thực tế Nhà Trắng trở thành ổ dịch mới và bản thân mắc COVID-19, Tổng thống Trump tiếp tục hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và tiến hành nhiều hoạt động gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Theo Reuters, số ca nhiễm virus corona tại Mỹ ngày 30/10 lên tới 100.233, một kỷ lục trên toàn cầu trong đại dịch, vượt qua kỷ lục thế giới trước đó của Ấn Độ hồi tháng 9 là 97.894 ca mắc mới trong 1 ngày.

Ác mộng COVID-19 trở lại, nhiều nước đồng loạt phong tỏa - 3

Buổi họp mặt tại Vườn Hồng hôm 3/10 đã biến Nhà Trắng thành ổ dịch COVID-19. (Ảnh: AP)

Ngoài Anh và Bỉ, Pháp và Đức cũng là hai nước vừa công bố lệnh phong tỏa mới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 28/10 cho biết Pháp sẽ bắt đầu phong tỏa trong 4 tuần từ ngày 30/10. Tuyên bố của ông được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo Đức sẽ phong tỏa 4 tuần trên toàn quốc từ ngày 2/11.

Châu Á chống dịch hiệu quả

Trong khi đó, cuộc sống tại nhiều nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương gần như đã trở lại bình thường sau 7 tháng kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

Theo Giám đốc Viện Sức khỏe Dân số Kenji Shibuya tại King’s College London, thành quả trên đến từ việc áp dụng hiệu quả những bài học cơ bản về dịch tễ học như truy dấu tiếp xúc của người bệnh, kiểm dịch chặt chẽ và kiểm soát biên giới.

Những quốc gia châu Âu xử lý đại dịch tốt với điển hình là Đức cũng chọn hướng tiếp cận tương tự.

Ác mộng COVID-19 trở lại, nhiều nước đồng loạt phong tỏa - 4

Đức là một trong số ít những quốc gia châu Âu được đánh giá cao trong công tác chống dịch. (Ảnh: Anadolu Agency)

Ngược lại, các chuyên gia cho rằng sở dĩ số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt ở Tây Ban Nha, Mỹ và Anh là bởi chính quyền các nước này đã chọn nới lỏng những quy định nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng để đánh đổi lấy sự phục hồi của nền kinh tế.

Khủng hoảng ở Anh và Tây Ban Nha trở nên nghiêm trọng hơn khi mâu thuẫn nảy sinh giữa người dân và chính phủ, xoay quanh vấn đề gỡ bỏ tình trạng cách ly xã hội quá sớm.

Theo tiến sĩ Tim Colbourn tại Đại học London, thay vì xem xét những khiếm khuyết trong hệ thống và tìm ra giải pháp, nhiều nước châu Âu lại cho rằng đã quá muộn để học hỏi kinh nghiệm chống dịch từ các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.

Dịch tễ học cổ điển

Diễn biến dịch COVID-19 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện rất khác so với các nước phương Tây.

Singapore, Hong Kong và New Zealand hầu như không hạn chế du khách nhập cảnh. Công dân trở về từ nước ngoài và người có giấy phép lao động sẽ được yêu cầu tham gia cách ly tập trung hoặc tự cách ly tại nhà.

Ác mộng COVID-19 trở lại, nhiều nước đồng loạt phong tỏa - 5

Các hoạt động tại sân bay ở Hong Kong vẫn diễn ra bình thường. (Ảnh: China News)

Tại Việt Nam, người dân có thể di chuyển giữa các khu vực nội địa mà không gặp rào cản nào. Chính phủ Việt Nam đã chủ động tiếp cận đợt bùng phát và khống chế số ca nhiễm trong thời gian ngắn, CNN nhận xét.

Đài Loan và Hàn Quốc là những nền kinh tế có số ca nhiễm cao thứ hai trên thế giới vào tháng 2. Tuy nhiên, nhờ vào hệ thống truy dấu tiếp xúc của người bệnh và chính sách công bố thông tin minh bạch được người dân ủng hộ, cả hai đã kiểm soát được các đợt bùng phát mà không cần ban bố tình trạng phong tỏa.

Ác mộng COVID-19 trở lại, nhiều nước đồng loạt phong tỏa - 6

Hành khách Hàn Quốc làm thủ tục tại sân bay ngay trong mùa đại dịch. (Ảnh: Anadolu Agency)

Theo giáo sư Martin McKee tại Trường Dịch tễ và Y học Nhiệt đới London, Vương quốc Anh đang triển khai phương pháp theo dõi tiếp xúc thông thường, khác với hệ thống “truy dấu ngược” mà các quốc gia châu Á đang áp dụng.

Cụ thể, nhiều nước châu Á như Hàn Quốc dựa vào báo cáo của bệnh nhân để xác định vị trí và thời điểm phát tán virus.

Trong khi đó, giới chức y tế Anh xác định các trường hợp dương tính với COVID-19 và dò tìm những người đã tiếp xúc với bệnh nhân sau khi lây nhiễm.

Vương quốc Anh không nên áp dụng phương pháp này vào thời điểm hiện tại”, giáo sư McKee nói thêm.

Bài học từ kinh nghiệm chống dịch SARS

Giới quan sát cho rằng cách phản ứng với đại dịch của các nước châu Á - Thái Bình Dương vốn được định hình từ kinh nghiệm chống dịch SARS bùng phát vào năm 2003.

Do đó, nhiều nước châu Á đã chuẩn bị và có nguồn lực tốt hơn để hành động dứt khoát khi đại dịch chớm bùng phát, đồng thời nhận được sự đồng thuận và hợp lực từ người dân.

Ác mộng COVID-19 trở lại, nhiều nước đồng loạt phong tỏa - 7

Một số nước châu Á xử lý dịch COVID-19 hiệu quả nhờ có kinh nghiệm chống chọi với đại dịch SARS năm 2003. (Ảnh: AP)

Trái lại, thực tế cho thấy việc áp dụng các quy định bắt buộc như đeo khẩu trang tại các nước phương Tây sẽ vấp phải sự phản đối từ những người vốn đã quen với sự tự do và dân chủ.

Một số quốc gia như Na Uy và Hà Lan khuyến khích người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng nhưng không bắt buộc.

Giới chức y tế Thụy Điển thậm chí tích cực khuyến cáo người dân không dùng khẩu trang, bất chấp lượng lớn số ca tử vong do COVID-19 ở các trung tâm chăm sóc y tế.

Ác mộng COVID-19 trở lại, nhiều nước đồng loạt phong tỏa - 8

Người dân nhiều nước châu Âu không muốn hoặc miễn cưỡng đeo khẩu trang khi ra đường. (Ảnh: AFP)

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo tại Mỹ và Anh thường xuyên bác bỏ những chỉ dẫn y tế từ giới chuyên gia.

Sau những phát biểu bị cáo buộc là phân biệt chủng tộc về virus corona, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần công khai giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của đại dịch và chế giễu đối thủ Joe Biden vì sử dụng khẩu trang.

Ác mộng COVID-19 trở lại, nhiều nước đồng loạt phong tỏa - 9

Tổng thống Trump nhiều lần công khai giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của đại dịch. (Ảnh: AFP)

Giới chuyên gia cho rằng việc những nhà cầm quyền như Thủ tướng Johnson hay Tổng thống Trump xem nhẹ sự nguy hiểm của dịch COVID-19 có ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của người dân và mức độ tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa lây lan virus.

Theo phó giáo sư Heidi Tworek thuộc Đại học British Columbia, các biện pháp tuyên truyền như khuyến khích đeo khẩu trang là “những phương thức can thiệp không dùng thuốc” rất hiệu quả nhưng đang bị đánh giá thấp.

Niềm tin của công chúng

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet cho thấy khi Cố vấn trưởng Dominic Cummings của Thủ tướng Anh Johson không phải chịu hậu quả cho việc vi phạm nguyên tắc cách ly, niềm tin từ người dân vào khả năng xử lý đại dịch của chính phủ đã suy giảm trầm trọng.

Ngược lại, ở New Zealand, việc Bộ trưởng Y tế David Clark bị giáng chức sau hai lần vi phạm các quy định về đại dịch sau đó từ chức vào tháng 7 đã giúp chính phủ nước này duy trì sự ủng hộ từ phía người dân.

Ác mộng COVID-19 trở lại, nhiều nước đồng loạt phong tỏa - 10

Ông David Clark từng bị giáng chức và đã thôi việc vì vi phạm quy định về COVID-19. (Ảnh: Getty Images)

Phó giáo sư Tworek cho biết New Zealand và Hàn Quốc đã “phân chia vai trò truyền đạt thông tin chính trị và khoa học” đến với công chúng.

Cụ thể, giới chức y tế sẽ cung cấp thông tin khoa học và khuyến cáo y tế. Sau đó, các chính trị gia như Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ truyền tải những thông điệp nói trên thông qua các bài phát biểu trên truyền thông.

Phó giáo sư Tworek nói thêm rằng những luồng thông tin chính thống ở Hàn Quốc hay Đài Loan được phổ biến rộng rãi, giúp ngăn chặn nạn tin giả và thuyết âm mưu tràn lan.

Ác mộng COVID-19 trở lại, nhiều nước đồng loạt phong tỏa - 11

Tổng thành Hàn Quốc Moon Jae-in có nhiều bài phát biểu xoay quanh việc phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: Yonhap)

Ngoài ra, cách truyền tải thông tin gần gũi và hài hước cũng được bà Tworek đánh giá cao.

Theo đó, chính quyền một số nước Châu Á minh họa quy định giãn cách xã hội bằng hình ảnh nhân vật Shiba Inu, vốn là một chú chó nổi tiếng trên Internet: khoảng cách giữa hai người khi ở trong nhà tương đương chiều dài của 3 “đơn vị” Shiba Inu, trong khi khoảng cách ngoài trời là 2 Shiba Inu.

Những nguyên tắc (mà các quốc gia châu Á áp dụng) không quá phức tạp. Đây đơn thuần là kiến thức cơ bản về khoa học sức khỏe và truyền đạt thông tin”, phó giáo sư Tworek nói.

Ác mộng COVID-19 trở lại, nhiều nước đồng loạt phong tỏa - 12

Phó giáo sư Heidi Tworek. (Ảnh: Ubyssey)

Giới quan sát cho rằng cách thức xử lý vấn đề xoay quanh cuộc bầu cử của các nước châu Á và phương Tây cũng có nhiều điểm khác biệt.

Trong khi người dân Mỹ chưa đạt được sự đồng thuận về hình thức bỏ phiếu, Hàn Quốc đạt tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất trong cuộc thăm dò hồi tháng 4.

Cử tri của quốc gia thuộc bán đảo Triều Tiên đã nghiêm túc chấp hành quy định đeo khẩu trang và găng tay khi đi bỏ phiếu.

Ác mộng COVID-19 trở lại, nhiều nước đồng loạt phong tỏa - 13

Cử tri Hàn Quốc đeo khẩu trang đi bỏ phiếu. (Ảnh: BBC)

New Zealand và Hong Kong đã hoãn các cuộc bầu cử vào thời điểm đại dịch diễn biến phức tạp. Đảng đối lập ở New Zealand thậm chí ủng hộ động thái này với lập luận bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Trong khi đó, rào cản lớn nhất ngăn nước Mỹ cải thiện hệ thống đối phó với dịch COVID-19 nằm ở tổng thống của họ, CNN nhận định.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Ác mộng COVID-19 trở lại, nhiều nước đồng loạt phong tỏa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO