Sự bí ẩn của người mở đường “tư nhân hóa” Ngoại hạng Anh
Năm 2003, “bom tấn” phát nổ ở giải Ngoại hạng Anh khi Chủ tịch Ken Bates của Chelsea công bố bán đội bóng cho doanh nhân Nga Roman Abramovich. Với túi tiền của một tỷ phú dầu mỏ, Chelsea đổi đời ngay lập tức và trở thành một thế lực đích thực cho đến hôm nay, góp phần phá sự thống trị của MU, Arsenal, Liverpool.
Sự có mặt của Abramovich đã mở đường cho quá trình “tư nhân hóa” các đội bóng ở giải Ngoại hạng Anh cho đến Championship. Các ông chủ giàu có từ khắp nơi tràn đến xứ sương mù và “thôn tính” lần lượt MU, Man City, Liverpool cho đến Leicester, Newcastle… Abramovich trở thành một biểu tượng của cách làm bóng đá “dùng tiền mua thành công” với việc trả lương cao ngất để mang về các ngôi sao trên sân và HLV nổi tiếng trên ghế chỉ đạo.
Thuở ban đầu, báo chí lẫn CĐV Anh không mấy thiện cảm với cách làm của “gã người Nga”. Họ nhạo báng bằng cách thêm hậu tố “-ski” để gọi thành “Chelski” cho giống tiếng Nga. Nhưng rồi, dù muốn hay không, dù yêu hay ghét, tất cả đều phải thừa nhận tỷ phú người Nga đã thành công trong việc biến “Chelski” thành một thế lực của bóng đá Anh và thế giới.
19 năm thuộc về Abramovich, Chelsea giành đúng 19 danh hiệu lớn nhỏ, hơn 3 lần tổng số danh hiệu họ có được kể từ khi ra đời. 5 chức vô địch Ngoại hạng Anh, 5 FA Cup, 2 Champions League, 2 Europa League, 2 Siêu cúp Anh, 1 Siêu cúp châu Âu và 1 FIFA Club World Cup... Trong hai thập kỷ đó, thống kê của Forbes cho thấy ông đổ vào CLB hơn 1,5 tỷ bảng Anh, tương đương 2 tỷ USD. Tất cả đều dưới danh nghĩa “tiền cá nhân” để duy trì đội bóng.
Đổi lại thành công và số tiền khổng lồ đó, Abramovich được gì và tại sao lại làm vậy, vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Bí ẩn như chính cách sống và khuôn mặt lạnh băng không cảm xúc của ông chủ người Nga.
Abramovich kiệm lời và bí ẩn. Ống kính truyền hình có thể cho hình ảnh ông xuất hiện trên sân Stamford Bridge hàng tuần nhưng bạn thử đếm xem mình đã bao nhiêu lần nghe ông phát biểu trực tiếp hoặc tuyên bố thông điệp nào đó? Ngay cả khi tuyên bố trao lại quyền quản lý CLB cho Qũy từ thiện Chelsea, thông điệp của ông trên trang chủ CLB cũng vỏn vẹn…109 từ.
Con người chính trị
Abramovich khác biệt với các ông chủ ở giải Ngoại hạng Anh như Sheikh Mansour (Man City), Stan Kroenke (Arsenal), John Henry (Liverpool), Daniel Levy (Tottenham) hay gia đình Srivaddhanaprabha (Leicester) ở chỗ tham gia sâu vào chính trị và không đặt nặng chuyện kinh doanh bóng đá.
Mối quan hệ của ông với Điện Kremli là công khai, khởi đầu dưới thời cựu Tổng thống Boris Yeltsin. Những cáo buộc cho thấy phần lớn tài sản ông có được nhờ mua giá rẻ trong chương trình tư nhân hóa các công ty nhà nước mà ông Yeltsin khởi xướng.
Năm 1999 Abramovich trúng cử vào Duma Nga với tư cách đại diện cho Khu tự trị Chukotka và trở thành Toàn quyền một năm sau đó. Hàng trăm triệu USD của Abramovich đổ vào đầu tư cho Chukotka để xây trường học, bệnh viện và khách sạn, sửa chữa sân bay…. Đổi lại, công ty Sibneft của ông được khai thác dầu mỏ và cả giảm thuế sâu một cách đáng ngờ.
Nhiệm kỳ Toàn quyền kết thúc năm 2005, ông tuyên bố rút lui nhưng…Putin thì không muốn như vậy. Tổng thống Nga hủy bỏ cuộc bầu cử ở Chukotka và chỉ định ông ngồi thêm một nhiệm kỳ nữa. Thế giới bắt đầu thấy rõ hơn bộ đôi này gắn kết thân thiết như thế nào.
Đến đây, tất cả đã thấy sự bí ẩn của Abramovich có nguyên cớ như thế nào. Bóng đá và những khoản đầu tư khồng lồ vào Chelsea dường như chỉ là động tác của tay trái nhằm củng cố cho hoạt động của tay phải mà chỉ có cái đầu của ông biết.
Đội cận vệ của Abramovich được cho là lên đến 40 người, được đào tạo bài bản và trang bị tận răng. Luôn di chuyển bằng máy bay riêng và thường xuyên ở trên du thuyền cá nhân sang trọng để tách biệt với xung quanh.
Khi Nga tấn công Ukriane, không phải ngẫu nhiên Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson ngay lập tức xem xét khả năng cấm Abramovich hoạt động tại Anh. Các nghị sĩ Anh đã công bố Abramovich là một trong 35 nhà tài phiệt được lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny xác định là “chủ chốt” của “chế độ dân chủ” do Tổng thống Vladimir Putin điều hành.
Nghị sĩ đảng Lao động Anh là Chris Bryant đã chia sẻ một tài liệu bị rò rỉ của Bộ Nội vụ từ năm 2019 trên Commons, theo đó Abramovich “được chính phủ quan tâm do mối liên hệ với nhà nước Nga và liên quan đến các thực tế tham nhũng, kể cả trả tiền để có ảnh hưởng chính trị”.
Năm 2020, vụ rò rỉ hồ sơ FinCEN về dòng tiền tự do trên thế giới, cho thấy Abramovich là nhà tài trợ duy nhất lớn nhất trong 15 năm qua cho Elad, một nhóm người định cư Israel gây tranh cãi bị cáo buộc di dời các gia đình Palestine khỏi Jerusalem. Điều này phần nào lý giải Abramovich bất ngờ có thêm quốc tịch Israel vào năm 2020.
“Chắc chắn ông Abramovich sẽ không thể sở hữu một CLB bóng đá ở đất nước này nữa? Chúng ta nên xem xét việc thu giữ một số tài sản của ông ấy, bao gồm cả ngôi nhà trị giá 152 triệu bảng của ông ta?”, Bryant đề xuất.
Chelsea là tình yêu hay công cụ?
Tháng 11/2021, Abramovich kiện nhà xuất bản HarperCollins và tác giả Catherine Belton về cuốn sách "Putin's People: How the KGB Took Back Russia and Then Took On The West" tiết lộ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo tỷ phú này đầu tư mua Chelsea để Nga có được sự chấp nhận và ảnh hưởng ở Anh.
Cựu phóng viên tờ Financial Times đã dựa trên những tư liệu được cung cấp bởi tỉ phú người Nga lưu vong Sergei Pugachev để viết. Tòa án tối cao London thụ lý đơn kiện, khẳng định cuốn sách “phỉ báng” và “bôi nhọ” Abramovich.
Điều ngạc nhiên là Abramovich hiếm khi lên tiếng bất cứ điều gì đúng sai về về bản thân mình, nay lại "nổi điên" lên ngay lập tức về cuốn sách này.
Vậy rốt cuộc Chelsea sẽ ra sao sau khi “chuyển giao”? Theo phân tích của Telegraph, Tình trạng này chỉ mang tính tạm thời, chưa có gì chắc chắn về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Không loại trừ khả năng khi những vấn đề chính trị lắng xuống, Abramovich sẽ trở lại cương vị vốn có.
Abramovich không còn kiểm soát “việc điều hành và ra quyết định” của CLB vì liên quan đến kinh doanh và hoạt động. Ông vẫn là “chủ sở hữu” của câu lạc bộ (thông qua công ty mẹ Fordstam Ltd) và có thể "đầu tư" vào nó (trừ bất kỳ lệnh trừng phạt nào liên quan), tức là nguồn tiền của Chelsea vẫn hoàn toàn được đảm bảo.