Ca sĩ Thanh Thủy chia sẻ, nhà chị có 3 chị em gái và một anh trai, đều mê hát. Năng khiếu ca hát của 4 người con chính là được thừa hưởng từ người cha vốn là bộ đội tên lửa (sau khi xuất ngũ thì làm việc ở công ty xe khách Vĩnh Phúc) nhưng chơi đàn guitar và hát rất hay.
Chị Thủy còn nhớ những ngày thảnh thơi, mẹ không phải đi may cho hợp tác xã, trong ngôi nhà nhỏ, ba chị ôm đàn ngồi hát thật tình cảm cho vợ con nghe. Rồi mỗi khi có đoàn văn công về Mê Linh là chị em gái lục tục đến xem, không bỏ một buổi nào.
Nhưng tới nay, mới chỉ có em gái út là chị Trần Thị Nhung theo nghệ thuật chuyên nghiệp. Chị Nhung khi còn là diễn viên Nhà hát Cải lương Hà Nội đã trở thành một trong những NSƯT trẻ nhất của đợt phong tặng năm 2016. Nay chị công tác tại Nhà hát Kịch nói Quân đội.
Chị Thanh Thủy kém may mắn hơn với con đường nghệ thuật, mặc dù độ đam mê thì không thua kém em gái. Giải Á quân 1 cuộc thi Giọng ca vàng Bolero Việt Nam 2023 diễn ra tháng 6 vừa qua như một sự bù đắp rất lớn cho tình yêu ca hát luôn cháy bỏng của chị Thủy.
Nữ ca sĩ chia sẻ: "Khoảnh khắc Ban Tổ chức xướng tên Thanh Thủy ở ngôi vị Á quân 1 tại sân khấu nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam đã khiến tôi, người thân và cả bạn bè vỡ òa trong hạnh phúc. Giải thưởng từ một cuộc thi lớn, với hơn 1.000 thí sinh tranh tài và những đêm thi hát trên sân khấu lớn khiến tôi như ngỡ mình đã chạm tay đến giấc mơ ngọt ngào từ thuở ấu thơ. Đó là mặc đẹp, đứng hát trên sân khấu cho hàng trăm khán giả nghe".
Thanh Thủy sinh ra và lớn lên ở xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, nay thuộc TP Hà Nội. Hiện chị đang công tác tại trường THCS Chất lượng cao Phúc Yên.
Niềm đam mê ca hát của Thanh Thủy bộc lộ từ rất sớm. Khi còn chưa đủ tuổi học lớp mẫu giáo lớn, Thanh Thủy đã biết hát những lời bài hát từ các anh chị lớp trên. Bởi mỗi lần thấy lớp anh chị đến giờ học hát, cô bé lại đứng trước cửa lớp để "học mót".
Đầu những năm 1980, quê Thủy cũng như bao làng quê khác của Việt Nam còn nghèo khó và các phương tiện giải trí, những cơ hội thưởng thức nghệ thuật còn rất nghèo nàn. Thỉnh thoảng mới có đoàn văn công hay các chú bộ đội về làng chiếu phim phục vụ người dân.
Lúc ấy, Thủy rất nhỏ, chỉ 7-8 tuổi, nhưng say mê đi xem tất cả các buổi chiếu bóng, buổi biểu diễn ca nhạc, không bỏ chương trình nào. Sau những buổi xem các cô chú hát múa trên sân khấu giữa sân cỏ, Thủy lại về nhà lục tìm khăn của bà làm váy, lấy vỏ chăn làm rèm sân khấu mà bắt chước biểu diễn.
Thanh Thủy nghiêm túc với niềm đam mê của mình tới nỗi những buổi diễn ấy cô đều cắt giấy làm vé "bán" cho các bạn trong trường, trong làng đến xem. Những vé ấy được đổi bằng các thức quà quê như bỏng ngô, kẹo bột, kẹo dứa, trái cây…
Tuổi học sinh của Thủy luôn được sống trong ca hát và bạn bè như thế. Không một chương trình hay cuộc thi văn nghệ nào của trường, của lớp, của địa phương mà vắng mặt Thủy. Thuở ấy, ai cũng thích nghe Thủy hát, từ các bạn cùng trang lứa cho tới những cô chú, ông bà.
Mỗi ngày đi học, Thủy mặc gọn gàng để còn rủ các bạn hát và diễn cho các bạn xã khác xem. Khán giả của Thủy ngày một đông. Nhiều bạn "nghiện" những buổi biểu diễn của Thủy đến mức, mùa hè đến là buồn bã vì không được nghe chị hát.
Để đạt được giải thưởng lớn, chị Thanh Thủy nói ngoài tài năng, sự may mắn và niềm đam mê dòng nhạc Bolero, chị rất biết ơn người thầy đã tận tâm dìu dắt trong suốt hành trình cuộc thi là ca sĩ Thiên Bảo.
Chị còn nhận được sự chỉ bảo của nhiều thầy cô là ca sĩ Hạ Vân (Phó trưởng Ban giám khảo), Yến Ngọc (thành viên Ban giám khảo), Tuấn Hiệp, nhà báo Đắc Bình.
Chị cũng rất biết ơn Trưởng Ban tổ chức Kim Huyền Sâm, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi Phạm Ngọc Đóa, Trưởng Ban giảm khảo - ca sĩ Long Nhật, Phó trưởng Ban giám khảo Đan Phương…