Google Việt Nam vừa cho hay 95% người dùng internet Việt Nam truy cập YouTube hàng tháng. Điều này cho thấy YouTube vẫn là một trong những nền tảng video phổ biến nhất đối với người dùng Việt Nam, và những nội dung của bạn trên YouTube có thể tiếp cận khán giả ở mọi lứa tuổi với đa dạng các sở thích khác nhau.
Tính đến tháng 7 năm 2021, tại Việt Nam, số lượng kênh có trên 100 nghìn người đăng ký là 10 nghìn kênh, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Và số lượng kênh có trên 1 triệu người đăng ký là 950 kênh, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Thời lượng xem trên ứng dụng YouTube cho các nội dung nấu ăn cũng tăng 45%, bóng đá tăng 150% và đặc biệt nhóm nội dung giải trí tăng đến 200% tính tới tháng 5/2021.
Những số liệu này cho thấy nhu cầu giải trí, học nấu ăn cũng như theo dõi bóng đá trực tuyến của người dùng tăng mạnh trong suốt thời gian giãn cách do dịch Covid-19.
Hiện tại, tính năng YouTube Shorts đang đạt trung bình hơn 30 tỷ lượt xem hàng ngày - con số này gấp bốn lần so với một năm trước - điều này cho thấy một tiềm năng phát triển rất lớn của cộng đồng Shorts.
Còn theo hãng bảo mật Kaspersky tại Việt Nam, Zalo trở thành ứng dụng nhắn tin được trẻ em Việt Nam sử dụng nhiều nhất với 26,37%. YouTube vẫn là ứng dụng giải trí hàng đầu ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam (16,33%).
Ra mắt chưa đầy 5 năm, TikTok đang trở thành thương hiệu phát triển nhanh nhất trên thế giới với nội dung đa dạng và vô hạn từ giải trí, sáng tạo đến giáo dục. Mức độ phủ sóng nhanh chóng của ứng dụng này đã thu hút sự quan tâm và yêu thích của đông đảo trẻ em Việt Nam (11,24%). Đứng ở vị trí tiếp theo trong số các ứng dụng phổ biến nhất là mạng xã hội Facebook (10%) và Chrome (8,30%).
Các ứng dụng hỗ trợ trao đổi thông tin, như Zoom (7,79%), Messenger (7,35%), Teams (6,02%) và Gmail (3,51%), đã duy trì mức độ phổ biến của chúng kể từ khi bước vào giai đoạn kết hợp học trực tuyến và trực tiếp vào đầu năm nay.