Cơ duyên thành người cứu hộ miễn phí
Từ một giám đốc công ty chuyên về cứu hộ đường bộ với thu nhập vài chục triệu đồng/tháng, anh Nhâm Quang Văn (39 tuổi, ở Thái Bình) trở thành "lính" cứu hộ cứu nạn không lương đường thủy và lên đường bất kể ngày đêm.
Kể về cơ duyên gắn bó với công việc không giống ai của mình, anh Văn kể, tháng 10/2020, khi miền Trung xuất hiện đợt mưa lũ lịch sử, anh kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp trong đội cứu hộ toàn quốc vận chuyển hơn 100 ca-nô với khoảng 60 chuyến xe 0 đồng từ Quảng Ninh vào các tỉnh phía trong để cứu trợ bà con.
Trọn vẹn 28 ngày "thâu đêm suốt sáng" ở vùng lũ, nhận hàng nghìn cuộc gọi cầu cứu từ người dân, anh Văn càng thấu hiểu nỗi khổ của những nạn nhân mắc kẹt trong biển nước. Trở về từ chuyến đi đó, người đàn ông U40 thấy "cần phải làm gì đó" nên lập một đội cứu hộ cứu nạn, trước mắt là hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Bình, sau mở rộng dần ra khắp cả nước.
Anh Văn vốn là con một, lại chưa có nhiều kinh nghiệm về sông nước nên bố mẹ và vợ rất lo lắng khi anh tham gia công tác cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, nhận thấy ý nghĩa từ công việc giúp đỡ bà con, gia đình lại âm thầm ủng hộ, chưa một lần than vãn dù con trai đi tham gia tìm kiếm có khi 3-4 ngày mới về.
Đi vớt người đuối nước miễn phí, anh Văn cũng nhận lại nhiều lời dị nghị, đàm tiếu: “Thật ra đôi khi những người đi làm việc này có lấy công thì người ta cũng không thích mình chút nào đâu. Họ cũng không muốn kết hợp với mình vì mình thì tìm miễn phí còn họ thì lấy tiền.
Rồi đến hàng xóm thì cũng có người nói mình điên, thần kinh, thừa tiền, mình là thành phần thế nọ thế kia… Tôi làm như này giống như làm dâu trăm họ, nếu như để ý đến những lời ấy thì rất mệt.
Thế nên tôi cứ kệ người ta muốn nói gì thì nói, mình cứ làm việc mình bằng cái tâm của mình thôi, để ý đến lời hàng xóm chắc chỉ bán cano đi chứ không làm được”, anh Văn cười.
Hiện tại anh Văn đang có 2 chiếc cano và 2 xuồng nhỏ để đi cứu trợ. Trong đó, 2 chiếc xuồng nhỏ được người dân ủng hộ khi vào miền Trung cứu trợ lũ lụt.
Với người cứu hộ miễn phí trên sông nước như anh Văn, điện thoại là vật bất ly thân, ngay cả lúc ngủ các thành viên vẫn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Hiện tại nhóm cứu hộ đường thủy miễn phí của anh Văn có 30 thành viên.
Nhiều vất vả nhưng không dừng
"Trừ lúc thời tiết xấu, mưa lớn hoặc sương mù cản trở việc tìm kiếm, còn không, chúng tôi sẽ làm xuyên đêm. Khó khăn, vất vả khi xa gia đình, nhịn đói nguyên ngày nhưng chưa lúc nào các thành viên có suy nghĩ từ bỏ", anh Đặng Hồng Quang, 50 tuổi, thành viên của đội nói.
Hai năm cứu hộ, cứu nạn đường thủy, anh Văn cùng các thành viên trong đội không nhớ bao nhiêu lần tìm thấy thi thể đuối nước từ Thái Bình đến Quảng Nam, nhưng trung bình mỗi tháng có 4-5 vụ. Gần thì trong tỉnh, xa cách 300-400 km, mỗi vụ mất vài tiếng đến cả tuần để tìm kiếm, tùy thuộc vào địa hình sông, dòng chảy của nước.
"Có thời điểm xảy ra cùng lúc 3-4 vụ đuối nước cách xa nhau, tôi không biết nên nhận lời ai và từ chối ai. Chỉ ước có thêm phương tiện và người", anh Văn thở dài.
Nhưng để tìm và vớt thi thể người gặp nạn dưới nước cần nhiều kinh nghiệm bởi sông nước mênh mông, dòng chảy siết, khó xác định vị trí. Khi nhận yêu cầu, nhóm phải cùng nhau bàn bạc, tính thời điểm xác chìm, dự đoán con nước lên hay xuống, hướng chảy để khoanh vùng tìm kiếm.
Thành viên của đội cứu hộ, anh Đặng Hồng Quang (50 tuổi) cho biết, anh tham gia công việc "không giống ai" này từ những ngày đầu. Anh làm việc thiện xuất phát từ cái tâm, và một cơ duyên đó là anh có người em sinh năm 1977 bị đuối nước năm 1988 ngay tại chân cầu Bo (TP. Thái Bình) nên càng thôi thúc anh làm công việc vớt xác người đuối nước.
"Vừa rồi, tôi có tham gia trục vớt xác cháu bé 13 tuổi, tầm tuổi của em trai tôi khi bị đuối nước năm nào, nên khi nhìn thấy cháu trong đầu tôi lại gọi nhớ về những hình ảnh ngày em mình bị đuối nước một cách thương tâm, hiện về trong ký ức tôi. Đó là một ký ức "đau lòng" mà suốt 34 năm qua vẫn dai dẳng trong lòng tôi", anh Quang nhớ lại.
Anh Phạm Ngọc Dương (33 tuổi) nổi da gà khi nhớ lại một lần đi vớt xác gần đây: “Tôi cảm thấy rợn người khi đi rà câu tìm xác cháu Phạm Ngọc H. (13 tuổi), khi xuống đó tôi cầm cái rà câu, khu vực câu bán kính khoảng 2km, nhưng có 1 chỗ cách cháu chìm khoảng 50m, cả đội ai cũng có cảm giác rất lạ, khiến một chị trong đội phải nôn oẹ. Riêng tôi đi cả khúc sông dài, bán kính 2km đó, không có cảm giác gì, nhưng lúc về đến vòng nước xoáy đó, tôi chắc chắn cháu H nằm ở đây.
Khi tôi rà móc câu xuống, chạm thấy 1 vật thể, tôi chắc chắn đó không phải là đá, không phải củi, không phải vải, mà tôi có một linh cảm đặc biệt, đó chính là cháu H. Điều tôi kinh ngạc, là lúc cháu được đưa lên tới bờ, kiểm tra thân thể cháu có 1 vết thương ở miệng, vết thương đó là do móc câu rà chạm vào, và tôi khẳng định đó là móc câu rà lúc tôi thả lần câu đầu tiên. Giờ kể lại câu chuyện này, tôi vẫn còn rợn người", Anh Dương bàng hoàng kể lại.
Chia sẻ về những kế hoạch trong tương lai, anh Văn cho biết bản thân sẽ cố gắng dần khắc phục doanh nghiệp để phát triển các hoạt động kinh doanh như trước.
Còn về đội Cứu hộ cứu nạn 116, anh sẽ mua thêm các trang thiết bị phục vụ công việc tìm kiếm như camera dưới nước, lưới, móc câu rà, đồng thời sẽ treo phao cứu nạn trên các thành cầu và mở những lớp dậy bơi miễn phí cho các trẻ nhỏ.