Đồng quan điểm với ý kiến trên, cùng ngày, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Intrerla cũng cho rằng cần phải xác định xem những giáo viên đó sử dụng bằng giả là hành vi cố ý hay do một cơ sở nào đó cấp.
Nếu cố ý sử dụng bằng giả thì có thể bị xem xét để truy tố trách nhiệm hình sự. Còn đối với những học viên được học từ những giáo viên dùng bằng giả đó nhưng họ trải qua các kỳ thi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thì không thể thu hồi bằng lái xe đó được.
"Trước khi bước vào các kỳ thi, những học viên đó đã trang bị đầy đủ kiến thức và đạt được điểm cao hay đủ điểm đỗ thì buộc phải công nhận kết quả của họ.
Đây là một quy trình rất đúng, không có sai phạm nên không thể hủy bằng lái của họ", luật sư Hòe nhấn mạnh.
Trước đó, theo kết luận được Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) công bố chiều 6/3, các loại giấy tờ, chứng chỉ sư phạm giả được các giáo viên dạy thực hành ở 4 trung tâm đào tạo lái xe ở TP.HCM mua qua mạng để nộp cho cơ sở đào tạo lái xe.
Trong đó, Trung tâm dạy nghề lái xe Tiến Phát (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) có 5 người không đủ điều kiện là giáo viên thực hành. Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát (3 cơ sở ở quận 11, Bình Tân và Phú Nhuận) có 38 người dùng chứng chỉ giả.
Trường dạy nghề tư thục lái xe Thế giới (5 cơ sở tại các quận 5,7, 8, Bình Tân, Tân Bình) có một người không đủ điều kiện dạy thực hành lái xe. Còn Trường dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn (4 cơ sở tại các quận Tân Phú, Gò Vấp, Phú Nhuận) có 10 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam còn phát hiện 4 trung tâm này có 60 giáo viên dạy tại TP HCM và Đồng Nai. Hiện, chưa có quy định xử lý giáo viên tham gia dạy hai nơi, tuy nhiên việc này bị cho là gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe.
29 giáo viên Trường dạy lái xe Thống Nhất (5 cơ sở tại quận 5 và 10) cũng bị phát hiện dùng bằng, chứng chỉ mua trên mạng. Ông Nguyễn Hoàng Dân (phụ trách nhân sự của trường) đã tự ý mua 24 giấy xác nhận giả của các cơ sở đào tạo để lập hồ sơ trình lãnh đạo nhà trường ký.
Giải thích về việc này, trao đổi với báo Đất Việt, đại diện Trường dạy lái xe Thống Nhất thừa nhận đây là lỗi trong quá trình kiểm tra hồ sơ dự tuyển giáo viên của đơn vị.
"Khi nộp hồ sơ, trường chỉ yêu cầu các giáo viên nộp văn bằng, chứng chỉ có công chứng mà không yêu cầu nộp bản gốc nên nhiều người đã lợi dụng kẽ hở này làm giả hồ sơ, giấy tờ để ứng tuyển. Đây là kẽ hở trong việc tuyển sinh giáo viên của đơn vị nên sau khi phát hiện ra, chúng tôi lập tức yêu cầu các giáo viên này nghỉ việc" - vị đại diện này cho biết.
Cũng theo vị đại diện này, mặc dù dùng bằng giả nhưng trong quá trình đào tạo thì các học viên được 29 giáo viên này dạy đều đạt điểm cao trong kỳ thi sát hạch lấy bằng lái.
"Học viên của 29 giáo viên này đứng lớp đều vượt qua các buổi kiểm tra sát hạch lý thuyết và thực hành. Thậm chí họ còn đạt điểm cao. Việc sát hạch được trường thực hiện rất nghiêm nên không có dấu hiệu tiêu cực. Vì vậy, cũng không có lý do gì để thu hồi lại bằng lái của những học viên này" - phía Trường dạy lái xe Thống Nhất thông tin.